Mùa Vọng - Giáng Sinh Thánh Gioan: "Thánh Tông đồ và thánh sử không phải là cùng một người" Vào ngày 27 tháng 12, Giáo hội Công giáo mừng lễ “thánh Gioan Tông đồ và thánh sử”. Thánh Tông đồ và thánh sử có phải là cùng một người không? Và ai là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến” bí ẩn, người thường được đồng hóa với thánh Gioan Tông đồ ? Tại sao tên của ngài không bao giờ được nhắc đến? Cha Yves-Marie Blanchard (1) giải thích. La Croix: Vào ngày 27 tháng 12, người Công giáo mừng lễ thánh Gioan, “tông đồ và thánh sử”. Đó là ai ? Cha Yves-Marie Blanchard: Các nhà chú giải đã nghiên cứu rất nhiều về mối quan hệ giữa thánh Gioan Tông Đồ, mà tên của ngài xuất hiện trong tựa đề “Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan”, và “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến”, mà bản văn về ngài nói rằng ngài là tác giả (Ga 21, 24). Chúng ta không biết tên của nhân vật trung tâm này, rất gần gũi với Chúa Giêsu, mà chứng tá của ngài làm cơ sở cho việc viết Tin Mừng. Tuy nhiên, ngài đóng vai trò hàng đầu: ngài ở dưới chân Thập Giá, ở đó Chúa Giêsu chỉ rõ ngài là người em thiêng liêng và là người thừa kế của Người bằng cách giao phó mẹ Người cho ngài, ngài là người đầu tiên thực hiện bước nhảy vọt đức tin vào buổi sáng Phục Sinh…Trong khi tên của thánh Gioan Tông đồ không bao giờ xuất hiện trong bản văn. Chỉ có chương cuối đề cập đến “các con trai của ông Giêbêđê” (21, 2). Chính Irênê thành Lyon, vào thế kỷ thứ 2, là người đầu tiên đồng hóa thánh Gioan với người môn đệ được yêu mến, vì lý do thần học chứ không phải lịch sử: cần phải khẳng định thẩm quyền tông đồ của Tin Mừng thứ tư, rất khác với ba Tin Mừng khác. Nói như thế, tôi không nghĩ rằng việc quy chiếu đến tông đồ là hoàn toàn tùy tiện. Cộng đoàn, được gọi của Gioan, ở Êphêsô, nơi Tin Mừng này xuất phát, chắc chắn có mối liên hệ với ngài. Từ lâu đã có tranh luận về việc liệu thánh Irênê có đúng hay không. Ngày nay, đa số các nhà chú giải đều đồng ý rằng vị Tông Đồ và người môn đệ vô danh, nguồn gốc của Tin Mừng, là hai người khác nhau. Chúng ta cũng biết rằng có lẽ có vị Gioan thứ ba, người mà, ở cuối Tin Mừng, đã bắt đầu việc biên soạn bản văn bằng cách viết: “Chính môn đệ này (người được Chúa Giêsu yêu mến) làm chứng về những điều đó và đã viết ra. (…) và tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết” (21, 24-25). Và rồi, trong các thư được cho là của Gioan, còn xuất hiện vị kỳ mục, tự giới thiệu mình là tác giả của chúng (“Tôi là kỳ mục”, ở đầu thư thứ 2 và thứ 3). La Croix: Vậy người Công giáo mừng lễ ai vào ngày 27 tháng 12? Cha Yves-Marie Blanchard: Chúng ta mừng lễ một nhân vật tập hợp nhiều người lại với nhau, cũng như chúng ta mừng lễ ba người phụ nữ khác nhau nơi thánh Maria Mađalêna. Tất cả những “Gioan” này đều phục vụ cộng đoàn Gioan, một cộng đoàn được truyền thống xác định nằm xung quanh Êphêsô ở Tiểu Á. Cộng đoàn này đã nhận lấy truyền thống của người môn đệ được yêu mến bằng cách dựa vào thẩm quyền của thánh Tông đồ và chứng thực vai trò tích cực của vị kỳ mục hoặc người biên soạn… Việc có nhiều người dưới cùng một tên không có nghĩa là họ không có thực tại lịch sử. Hơn nữa, cách thức này cho thấy tầm quan trọng của cộng đoàn trong việc truyền bá đức tin, hơn là của một văn sĩ độc nhất và được nhận diện rõ ràng. La Croix: Các thư của Gioan và sách Khải Huyền có phải là tác phẩm của cùng một tác giả không? Cha Yves-Marie Blanchard: Đối với các bức thư, vâng, điều đó là hiển nhiên. Đối với sách Khải Huyền, nó phức tạp hơn. Bản văn này cũng đến từ cộng đoàn Êphêsô, nhưng ở một thể loại văn học và cách sử dụng tiếng Hy Lạp rất khác. Tuy nhiên, sách Khải Huyền được cho là “của Gioan”, không phải ở tiêu đề mà ở chính bản văn. Đây có phải là một Gioan khác, mà một số người gọi là thánh Gioan ngôn sứ không? Hay đó là một cách, giống như đối với Tin Mừng, dựa vào thẩm quyền của thánh Tông đồ? Ở đây cũng vậy, bí ẩn vẫn còn. La Croix: Một ngày nào đó, liệu chúng ta sẽ biết người môn đệ được yêu mến là ai không? Cha Yves-Marie Blanchard: Tôi không nghĩ vậy. “Người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến” là một bút danh, và từ suốt hai nghìn năm qua chưa có ai giải đáp được bí ẩn, như thể Tin Mừng thứ tư đã làm mọi cách để che giấu danh tính của mình. Tại sao không nói ra tên của một người mà người ta đòi hỏi thẩm quyền và cho thấy tầm quan trọng của người đó như thế? Đó có thể là “người môn đệ quen biết vị thượng tế” đi cùng Phêrô và Chúa Giêsu đến nhà ông Khanan (Ga 18, 15), có lẽ cũng là người có một căn nhà ở Giêrusalem đủ rộng để đón tiếp bữa tiệc ly của Chúa Giêsu… Một người thành thị gần gũi với giới tư tế, chứ không phải là một ngư dân người Galilê, do đó có lẽ là người không thuộc nhóm Mười Hai. ————————————————————— (1) Linh mục giáo phận Poitiers, tác giả của bài viết « La question du Disciple bien-aimé présente-t-elle encore quelque intérêt », in Tradition et transmission. Une génération de biblistes à l’Institut catholique de Paris, Sophie Ramond dir., coll. « Patrimoines », Cerf, 2016, p. 129-152, và của cuốn Saint Jean à l’heure des dialogues, Cerf, coll. « Lire la Bible », 2023. ———————————————- Tý Linh chuyển ngữ (nguồn : nhật báo La Croix) Ngày 26 tháng 12 Năm 2024 Bài liên quan Ý nghĩa và lưu ý trong Mùa Vọng Này Thiên Chúa đang đến Sống Tâm Tình Mùa Vọng 10 điều bạn cần biết về Mùa Vọng Mùa Vọng Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Tập Tục và Tinh Thần