Giới trẻ Cách dạy thanh thiếu niên cầu nguyện Dạy thanh thiếu niên cách cầu nguyện có thể là một thách thức đối với các bậc cha mẹ và những người làm công tác dạy giáo lý, nhưng thực tế, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nếu chúng ta có trách nhiệm nuôi dưỡng họ trở thành môn đệ của Chúa. Là cha mẹ, chúng ta chính là những người thầy đầu tiên về đức tin cho con cái mình. Nếu bạn là giáo lý viên hoặc làm công tác mục vụ giới trẻ, hãy nhớ rằng việc hướng dẫn đời sống thiêng liêng là trách nhiệm cốt lõi và cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Dưới đây là một số bước để giúp bạn bắt đầu! 1. Bạn Không Thể Cho Đi Điều Mình Không Có Điều đầu tiên cần hiểu khi dạy người khác cầu nguyện là chúng ta không thể cho đi điều mà chính mình không có. Chúa Giêsu đã nói trong Tin mừng của Thánh Gioan: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái; vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Nếu chúng ta muốn sinh hoa trái và giúp các bạn trẻ trở thành người môn đệ đích thực, trước tiên, chúng ta phải dành thời gian cầu nguyện và được nuôi dưỡng từ chính đời sống thiêng liêng của mình. 2. Tìm Hiểu và Đồng Hành Trước khi dạy, chúng ta cần hiểu đối tượng mà mình hướng dẫn. Thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển đặc biệt, với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Chúng ta cần chấp nhận rằng "thiếu niên sẽ hành động như thiếu niên". Điều quan trọng là cân bằng giữa việc không đối xử với họ như trẻ con, nhưng cũng không đặt kỳ vọng quá cao. Nhiều bạn trẻ tràn đầy năng lượng, vì vậy, bắt đầu bằng một giờ chầu Thánh Thể trong thinh lặng có thể không phải là lựa chọn lý tưởng! Tuy nhiên, điều kỳ diệu là họ có một khả năng sâu sắc để cảm nhận sự thiêng liêng và gặp gỡ Thiên Chúa. Hai điều có thể giúp ích cho bạn: Hãy xin Chúa ban cho bạn cái nhìn của Ngài để thấy các bạn trẻ theo cách Ngài nhìn họ. Hãy tìm kiếm gương mặt của Chúa Giêsu nơi những người trẻ mà bạn đồng hành. 3. Chăm Sóc Đời Sống Tình Cảm và Thiêng Liêng Của Họ Dạy người trẻ cầu nguyện là một hành động thiêng liêng của lòng thương xót (Giáo huấn cho kẻ chưa biết). Tuy nhiên, để làm được điều đó hiệu quả, chúng ta cần quan tâm đến những nhu cầu tinh thần và sự phát triển của họ. Có một nguyên tắc quan trọng trong mục vụ giới trẻ: "Người trẻ không quan tâm đến những gì bạn biết, cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ như thế nào." Họ cần có cộng đồng, những người cố vấn, và những người thực sự yêu thương họ. Nếu bạn muốn họ lắng nghe bạn, trước tiên, hãy cho họ thấy rằng bạn thật lòng mong điều tốt nhất cho họ. 4. Dạy Cách Cầu Nguyện Thay Vì Chỉ Dạy Lời Cầu Nguyện Khi dạy cầu nguyện, nhiều người bắt đầu bằng cách học thuộc những lời kinh phổ biến như Kinh Mân Côi hoặc Lòng Thương Xót Chúa. Đây là những thực hành tuyệt vời và cần được gìn giữ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dạy họ cách cầu nguyện tự phát từ trái tim. Truyền thống gọi đây là cầu nguyện tâm niệm—tức là trò chuyện với Chúa từ tận đáy lòng mình. Để làm được điều này, cần có sự hướng dẫn bằng cách cầu nguyện thành lời. Một cách đơn giản mà tôi đã sử dụng để dạy giới trẻ là nguyên tắc PRAY, viết tắt của: Praise (ngợi khen): Chúng ta bắt đầu bằng việc tạ ơn Chúa vì những ơn lành trong cuộc sống. Hãy khuyến khích các bạn trẻ liệt kê những điều họ biết ơn, và sau đó dừng lại một chút để tìm thêm những điều khác nữa. Tâm hồn biết ơn sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần và cảm xúc! Repentance (thống hối): Xét lại ngày sống, xin Chúa tha thứ những thiếu sót, và quyết tâm sửa đổi. Nếu cần, hãy đi xưng tội. Ask (xin ơn): Cầu xin Chúa ban cho chúng ta và những người xung quanh những ơn lành cần thiết. Yield (lắng nghe): Mở lòng ra để đón nhận sự hướng dẫn của Chúa, lặng thinh và ở lại trong sự hiện diện của Ngài. 5. Đồng Hành và Cầu Nguyện Cùng Nhau Cuối cùng, điều quan trọng nhất là chúng ta cần làm gương bằng chính đời sống cầu nguyện của mình. Hãy cầu nguyện cùng các bạn trẻ, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn. Ví dụ: Khi họ lo lắng về kỳ thi hoặc một trận đấu quan trọng, hãy cầu nguyện cùng họ để xin Chúa ban bình an. Khi họ gặp khó khăn ở trường học, hãy nhắc họ: "Hãy đem điều này đến với Chúa Giêsu", và cầu nguyện ngay lúc đó. Ngay cả những căng thẳng trong gia đình cũng có thể trở thành cơ hội để cùng nhau cầu nguyện, xin Chúa ban hòa giải. Cha mẹ có thể tạo ảnh hưởng lớn khi họ biết xin lỗi và cầu nguyện chung với con cái sau những lúc nóng giận. Điều này cho thấy rằng chúng ta cũng cần đến Chúa, và các bạn trẻ sẽ hiểu rằng họ không cần phải hoàn hảo - họ chỉ cần đến với Chúa bằng cả tấm lòng. Kết Luận Tôi thực sự tin rằng giới trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó. Họ chịu căng thẳng từ trường học, mạng xã hội, định hướng tương lai, tài chính, và nhịp sống bận rộn. Mặc dù có vẻ như luôn kết nối qua công nghệ, nhưng họ lại đang cảm thấy cô đơn và lạc lõng hơn bao giờ hết. Dạy người trẻ cầu nguyện có nghĩa là giúp họ kết nối với Thiên Chúa - Đấng yêu thương họ và muốn đổ tràn sự sống của Ngài vào họ. Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Cầu nguyện là chìa khóa giúp người trẻ mở ra sự sống dồi dào này. Thật là một ơn gọi tuyệt vời khi được hướng dẫn họ trong hành trình ấy! Dù có khó khăn, đừng bỏ cuộc. Hãy tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục cầu xin cho người trẻ, và tiếp tục chia sẻ món quà cầu nguyện với họ. Các tông đồ đã từng bị từ chối, thậm chí bị bách hại. Chúng ta cũng có thể gặp những thử thách, nhưng hãy nhớ rằng việc này không chỉ quan trọng cho phần rỗi của chúng ta mà còn cho cả họ nữa! Tác giả: Jonah Soucy Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 25 tháng 2 Năm 2025 Bài liên quan Nỗi sợ dẫn đến thất bại Hồng y Arizmendi: Dừng lại, Suy ngẫm, Quyết định! Tạm rời xa màn hình để đến gần Chúa hơn trong Mùa Chay Người bạn đời lý tưởng nên như thế nào? Nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng tiềm ẩn của việc làm nhiều việc cùng lúc và cách sắp xếp trật tự công việc. Những lời khuyên thánh thiện để giữ tâm hồn hướng về Chúa khi làm việc Xây dựng cầu nối văn hóa trong môi trường làm việc quốc tế: Thách thức và may mắn Tại sao Thánh Phanxicô Saviê khuyên chúng ta chỉ nên làm một việc tại một thời điểm?