Giới trẻ Carlo Acutis và sức mạnh âm thầm của một đời sống thánh thiện giản đơn Tám mươi ngàn bạn trẻ đã háo hức lên đường đến Rôma với hy vọng được chứng kiến lễ phong thánh của Carlo Acutis. Thế nhưng, thay vì tham dự một sự kiện vui mừng, họ lại có mặt nơi thành phố vĩnh cửu này để tiễn biệt Đức Giáo hoàng vừa qua đời. Sự ra đi của một vị giáo hoàng không giống như cuộc bầu cử tổng thống hay cái chết của một vị vua. Giáo hoàng không có người kế vị được định sẵn. Khi ngai tòa Thánh Phêrô trống, mọi hoạt động trong Giáo hội gần như dừng lại: không giám mục nào được bổ nhiệm hay nghỉ hưu, không hiệp ước nào được ký kết, và cũng không có ai được phong thánh. Dĩ nhiên, vẫn có những cách giải quyết, nhưng không thể thực hiện chỉ trong vòng một tuần. Thế nên, Carlo Acutis, chàng trai được gọi là “vị thánh thiên niên kỷ đầu tiên,” sẽ vẫn tiếp tục mang tước hiệu chân phước thêm một thời gian nữa. Tôi đoán các bạn trẻ sẽ thất vọng. Chính tôi cũng vậy nếu ở trong hoàn cảnh đó. Nhưng sự trì hoãn này cũng là dịp để chúng ta có thêm thời gian tìm hiểu về Carlo — và lý do vì sao Giáo hội Công giáo lại coi cậu xứng đáng được phong thánh. Nếu có thể, tôi rất khuyến khích bạn xem bộ phim tài liệu mới: “Carlo Acutis: Lộ trình đến thực tại”. Sức hút quanh cái tên Carlo Acutis đã lan rộng và sâu sắc. Vì thế, cũng không lạ khi có những nghi ngờ — không chỉ từ một số tín hữu mà còn từ cả thế giới thế tục. Trong một bài viết gần đây trên tờ The Economist, tác giả John Phipps đã nhận xét: “Ngay cả những người có lòng sùng kính đặc biệt dành cho Carlo cũng khó nói rõ cậu ấy đã làm gì. Chẳng có gì trong tiểu sử giản đơn của cậu giải thích được vì sao một thiếu niên bình thường lại sắp trở thành vị thánh lớn đầu tiên của thế kỷ 21.” Tôi sẽ không tranh cãi với ai thấy lý lịch của Carlo có phần “khiêm tốn”. Cậu mất vì bệnh bạch cầu khi mới 15 tuổi. Nhưng tôi sẽ phản biện lại quan niệm cho rằng sự thánh thiện thật sự phải đi kèm với một tiểu sử kịch tính như tiểu thuyết phiêu lưu. Rất ít vị thánh có câu chuyện đủ hấp dẫn để trở thành phim Marvel. Họ là anh hùng — nhưng theo cách khác. Sự thánh thiện của người bình thường Sống trong tương quan với Thiên Chúa giúp con người trở nên đúng như điều họ được tạo dựng để trở thành. Và Thiên Chúa lại chọn gọi vô số con người “bình thường” với những hồ sơ rất đỗi giản dị. Sự thánh thiện là một lời mời gọi dành cho mọi người. Và đôi khi, “bình thường” chính là bản chất sâu xa của sự thánh thiện. Quá trình phong thánh không hề dễ dàng. Với Thánh Jeanne d’Arc, nó mất đến 500 năm. Việc mở hồ sơ phong thánh đòi hỏi thời gian, tài chính và cả chuyên môn. Một số người chỉ trích rằng mẹ của Carlo đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình phong thánh cho con trai mình. Có thể đúng là như vậy. Nhưng điều đó chẳng khác gì việc các dòng tu cử người đại diện để viết hồ sơ, quảng bá và gây quỹ cho tiến trình phong thánh của vị sáng lập hay các thành viên trong dòng của họ. Một vị thánh cho thời đại này Điều gây tranh cãi hơn là vấn đề thời điểm. Thiên Chúa là Đấng tạo nên các vị thánh, còn Giáo hội chỉ công nhận điều đó. Khi một người được tôn kính trên bàn thờ, điều đó thường phản ánh việc Thiên Chúa đang muốn nói điều gì đó với thế giới, vào đúng thời điểm. Một Giáo hội từng bị bao phủ bởi sự giàu sang và quyền lực thế gian đã cần đến sự nghèo khó triệt để của Phanxicô và Đa Minh. Một thế giới ngày càng phức tạp vì công nghiệp hóa và tiến bộ công nghệ cần đến sự đơn sơ như trẻ thơ của “con đường nhỏ” mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chỉ ra. Một xã hội đang xem thường và tấn công đời sống hôn nhân – gia đình thì lại cần đến lòng trung tín của Louis và Zélie Martin hay lòng can đảm của gia đình Ulma. Vậy còn Carlo Acutis thì sao? Trong một thế giới nơi thành tích được tôn vinh như tất cả, có lẽ chúng ta cần một vị thánh chẳng có gì “ngoại hạng”; một người cũng từng đi tìm ý nghĩa sống như bao người khác — và đã tìm thấy điều đó nơi Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta chưa bao giờ cô đơn đến thế, có lẽ điều chúng ta cần là một thiếu niên sử dụng công nghệ một cách vui tươi nhưng biết tiết chế — tự nguyện giới hạn bản thân chỉ chơi điện tử một giờ mỗi tuần; một người ưu tiên chia sẻ đời sống thật với người khác và dành thời gian chầu Thánh Thể, thay vì bị cuốn vào thế giới ảo. Giữa một thời đại ngập tràn hình ảnh đã chỉnh sửa, mạng xã hội, và cuộc sống qua màn hình, có lẽ điều chúng ta cần nhất là một cậu bé bình thường để nhắc nhở rằng: chúng ta không phải là những khán giả vô hình, mà là con cái của Thiên Chúa, được cứu chuộc và tái sinh trong Đức Kitô. Chúa Giêsu không mời gọi chúng ta trở thành những “môn đệ kỹ thuật số,” cũng không yêu cầu một đời sống “đạo đức ảo.” Thay vào đó, Ngài ban chính sự hiện diện thật và sống động của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Và điều mà Carlo Acutis đã sống — và để lại — là một chứng từ đơn sơ nhưng rực sáng: rằng Tin Mừng không xa lạ với cuộc sống hằng ngày, và một đời sống hoàn toàn bình thường giữa thế giới hôm nay vẫn có thể là thánh thiện. Tác giả: Jaymie Stuart Wolfe Nguồn: Oursundayvisitor Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 3 tháng 5 Năm 2025 Bài liên quan Người trẻ với lời mời gọi bảo vệ sự chân thật và phẩm giá trong công việc Nỗi sợ dẫn đến thất bại Hồng y Arizmendi: Dừng lại, Suy ngẫm, Quyết định! Tạm rời xa màn hình để đến gần Chúa hơn trong Mùa Chay Người bạn đời lý tưởng nên như thế nào? Cách dạy thanh thiếu niên cầu nguyện Nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng tiềm ẩn của việc làm nhiều việc cùng lúc và cách sắp xếp trật tự công việc. Những lời khuyên thánh thiện để giữ tâm hồn hướng về Chúa khi làm việc