Giới trẻ Nỗi sợ dẫn đến thất bại Nỗi sợ là một phần cơ bản của cuộc sống. Nó không thể bị loại bỏ hoàn toàn. Khác với nỗi đau, nỗi sợ hướng đến điều có thể xảy ra trong tương lai thay vì điều đang diễn ra ngay lúc này. Nó là sự lo âu về những gì có thể xảy đến. Các triết gia hiện sinh xem nỗi sợ là một phần gắn liền với sự tồn tại của con người, gọi nó là “lo âu hiện sinh.” Vì vậy, nỗi sợ là điều bình thường. Nhưng cách chúng ta phản ứng với nỗi sợ lại là chuyện khác. Khi Tổng thống Franklin Delano Roosevelt nói với người dân rằng “chúng ta không có gì phải sợ ngoài chính nỗi sợ,” ông đang khích lệ tinh thần trong thời kỳ chiến tranh. Khi Karol Wojtyla trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II, lời đầu tiên ngài nói với mọi người là: “Đừng sợ.” Đây đều là những lời khuyên đúng đắn, nhưng làm sao để vượt qua nỗi sợ? Và điều gì sẽ xảy ra nếu ta để nỗi sợ chi phối mình? Nỗi sợ có thể dẫn đến sự tê liệt. Một người có thể sợ đi phỏng vấn xin việc vì lo rằng mình sẽ không thể hiện tốt và không được nhận. Vì quá sợ hãi, anh ta quyết định không đi, và qua đó tự mình loại bỏ cơ hội có được công việc đó. Một chàng trai có thể sợ bị từ chối bởi một cô gái mà anh ta thích, nên cuối cùng không dám gọi điện cho cô. Anh tránh được nỗi đau của sự từ chối nhưng cũng đánh mất cơ hội kết bạn với cô gái ấy. Có nhiều nhạc sĩ tài năng nhưng không dám biểu diễn vì sợ bị chỉ trích hoặc mắc sai lầm. Nhà thần học và tâm lý học Paul Tillich phân biệt giữa nỗi lo âu hiện sinh bình thường - thứ mà ai cũng trải qua - và nỗi lo âu bệnh lý, thứ có thể tự hủy hoại bản thân. Sử dụng ngôn ngữ siêu hình, ông định nghĩa chứng rối loạn thần kinh (neurosis) là cách “tránh né sự không tồn tại bằng cách tránh né sự tồn tại.” Trong cuốn sách nổi tiếng The Courage to Be (Dũng Khí Để Tồn Tại), ông giải thích rằng điều chúng ta cần để tránh rối loạn thần kinh và vượt qua nỗi sợ chính là dũng khí để tồn tại. Không có dũng khí, ta chẳng thể làm gì. Nhưng với dũng khí, ta có thể trở thành con người mà mình được định sẵn để trở thành. Dũng khí là sự sẵn sàng đối mặt với những điều tiêu cực để đạt được điều tích cực lớn hơn. Đó là sự khẳng định bản thân ngay cả khi có nguy cơ đối mặt với hiểm nguy. Câu nói “không liều thì không có gì” nhắc nhở ta rằng cuộc sống chính là một cuộc phiêu lưu, mà mọi cuộc phiêu lưu đều tiềm ẩn nguy cơ thất bại. Mọi quyết định chúng ta đưa ra đều có thể dẫn đến thành công hoặc thất bại. Nếu không dám bước vào cuộc chơi, ta chắc chắn sẽ không thể chiến thắng. Sự sẵn sàng tham gia cuộc chơi, dám đối mặt với thử thách, đòi hỏi lòng dũng cảm - một đức tính cần có mỗi ngày. Nhà văn Eric de Jong từng tuyên bố rằng bà thích giữ cung lòng của mình trống rỗng nhưng đầy ắp khả năng. Nhưng một khả năng chỉ có thể trở thành hiện thực khi có đủ dũng khí để theo đuổi nó. Nhiều phụ nữ không có con sau này thường hối tiếc về sự trống trải ấy. Với phần lớn con người, sự hối tiếc xuất hiện khi ta bỏ lỡ cơ hội, không dám mạo hiểm, và để những khả năng bị đánh mất. Khi vượt qua được nỗi sợ, ta thường nhìn lại và tự hỏi: “Mình đã lo lắng vì điều gì vậy?” Không có dũng khí, ta không thể hạnh phúc hay tìm thấy sự bình yên. Nữ phi công nổi tiếng Amelia Earhart từng nói: “Dũng cảm là cái giá mà cuộc sống đòi hỏi để đổi lấy sự bình yên. Linh hồn không biết đến dũng cảm cũng không thể thoát khỏi những điều nhỏ nhoi.” Làm sao ta có thể sống thanh thản nếu cứ mãi để nỗi sợ lấn át? Sợ thất bại chính là đảm bảo cho thất bại. John Wooden, huấn luyện viên bóng rổ đại học thành công nhất mọi thời đại, từng nói: “Không chuẩn bị chính là chuẩn bị cho thất bại.” Và sự chuẩn bị để thành công bao gồm cả sự tự tin mà dũng khí mang lại. Dũng cảm trong những điều nhỏ bé có thể không trở thành tiêu đề trên báo chí, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện nhân cách. Aristotle từng nói: “Bạn sẽ chẳng làm được gì trên thế gian này nếu không có dũng khí. Đó là phẩm chất vĩ đại nhất của tâm trí, chỉ sau danh dự.” Còn Martin Luther King, Jr. thì nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây dựng những con đê dũng cảm để chặn đứng cơn lũ của nỗi sợ.” Ta cần những liều dũng khí nhỏ, được sử dụng liên tục trong suốt cả ngày. Kinh Thánh có nhiều đoạn khuyến khích ta phải dũng cảm đối mặt với nỗi sợ. Trong Giô-suê 1:9, ta đọc được: “Mạnh bạo lên, can đảm lên ! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao ? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới.”.” “Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng.” (Tv 95:19). “Đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà nói : Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được ?” (Hr 13:6). “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1 Pt5:6-7). “Lập tức, Người bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6:50). Một giáo viên có thể sợ giảng dạy về một chủ đề bị xem là “không đúng đắn về chính trị.” Ngày nay, xu hướng tại các trường đại học là phải tuân theo Zeitgeist (tinh thần thời đại). Nhưng những gì không phổ biến có thể lại là những điều bổ ích. Một giảng viên nhút nhát, sợ bị chỉ trích, sẽ thất bại trong chính nghề nghiệp của mình và cả trong mắt bản thân. Nếu không thể vượt qua nỗi sợ bằng lòng dũng cảm hoặc niềm tin, thất bại là điều chắc chắn. Chỉ có dũng khí để theo đuổi sự thật thay vì chạy theo thế gian mới là con đường dẫn đến thành công và xây dựng nhân cách. Tác giả: Dr. Donald DeMarco Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dong Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 31 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Hồng y Arizmendi: Dừng lại, Suy ngẫm, Quyết định! Tạm rời xa màn hình để đến gần Chúa hơn trong Mùa Chay Người bạn đời lý tưởng nên như thế nào? Cách dạy thanh thiếu niên cầu nguyện Nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng tiềm ẩn của việc làm nhiều việc cùng lúc và cách sắp xếp trật tự công việc. Những lời khuyên thánh thiện để giữ tâm hồn hướng về Chúa khi làm việc Xây dựng cầu nối văn hóa trong môi trường làm việc quốc tế: Thách thức và may mắn Tại sao Thánh Phanxicô Saviê khuyên chúng ta chỉ nên làm một việc tại một thời điểm?