Sống đẹp Chúa sẽ lo liệu: Một chủng sinh suy ngẫm về cơn bạo bệnh của mẹ mình Chúa sẽ lo liệu. Đó là châm ngôn và lời cầu nguyện không ngừng của tôi khi bước lên chuyến bay đến Rome – chuyến bay duy nhất trong cả nước đến Ý vào ngày hôm đó. Lúc ấy là tháng 8 năm 2020, và Chủng viện Giáo hoàng Bắc Mỹ vừa quyết định chào đón một lớp chủng sinh mới sau vài tháng đóng cửa vì đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. (Trong suốt 165 năm lịch sử, trường chỉ đóng cửa một lần trước đó – vào thời Thế chiến thứ hai.) Là một chủng sinh năm ba, tôi biết ơn vì có cơ hội học thần học tại Rome, nhưng đồng thời tôi cũng đang mang trên vai một thập giá nặng hơn cả hành lý của mình. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm đó, mẹ tôi, bà Judy, nói với tôi rằng bà mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Mẹ là quản lý tài chính tại giáo xứ của chúng tôi và có một trái tim tràn đầy yêu thương dành cho Giáo hội. Tình yêu của mẹ dành cho Chúa và cho tôi thể hiện rõ qua lời mẹ dặn dò: "Mẹ tin vào kế hoạch của Chúa dành cho con, vì vậy mẹ muốn con bước lên chuyến bay đó. Scotty, con sẽ trở thành một linh mục tuyệt vời, và mẹ biết rằng bằng cách này hay cách khác, mẹ sẽ có mặt trong ngày con chịu chức." Bất kỳ ai có người thân mắc bệnh ung thư đều hiểu nỗi đau và sự sợ hãi khủng khiếp ấy. Nhưng ngay trong khoảnh khắc đó, và suốt bốn năm tôi ở Rome, Chúa Thánh Thần đã khắc ghi vào lòng tôi một chân lý vững vàng: Chúa sẽ lo liệu. Và Ngài thực sự đã lo liệu. Tình huynh đệ đích thực Năm đầu tiên ở chủng viện là một hành trình đầy những trải nghiệm mới. Từ việc chật vật học tiếng Ý đến việc cố gắng không bị xe Vespa tông phải khi băng qua đường, cuộc sống ở Thành phố Vĩnh cửu mang đến không ít thử thách. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ơn lành – mà trước hết chính là tình huynh đệ giữa các anh em chủng sinh. Chúng tôi cầu nguyện cho nhau trong những giây phút khó khăn lẫn hạnh phúc, thúc đẩy nhau sống thánh thiện hơn, và cùng dìu nhau trên con đường tiến đến chức linh mục – cũng như trên hành trình về thiên đàng. Một người không thể tự mình trở thành linh mục, và quá trình đào tạo cũng chưa bao giờ chỉ xoay quanh cá nhân anh ta. Khi gọi những người bạn này là anh em, tôi thực sự có ý đó, và tôi vô cùng mong đợi ngày được phục vụ bên họ với tư cách là một linh mục. Cùng nhau, chúng tôi không chỉ chia sẻ vô số đĩa pasta và ly gelato ở Rome mà còn đồng hành qua nhiều chuyến hành trình. Chúng tôi mừng Tuần Thánh tại Seville, tham gia rước kiệu ngày lễ thánh Thérèse ở Lisieux, dâng lễ tại Munich và phục vụ tại một bữa tiệc Giáng Sinh dành cho người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Seoul. Hồng ân được trải nghiệm sự hiệp nhất trong Hội Thánh hoàn vũ là điều tôi sẽ khắc ghi trong lòng mãi mãi. Dũng khí để bền đỗ Mùa hè đầu tiên ở nước ngoài (các chủng sinh Mỹ học tại Rome thường không về nhà ít nhất trong hai năm đầu), tôi may mắn được phục vụ tại giáo xứ Santo Cristo de la Misericordia ở Boadilla del Monte, Tây Ban Nha. Khi những người bạn Tây Ban Nha hỏi tôi có thấy khó khăn khi xa nhà không, ngay lập tức tôi nghĩ đến mẹ. Trái tim tôi quặn thắt, nhưng cũng tràn đầy bình an khi trả lời: "Nơi nào có Thánh Thể, nơi đó là nhà của tôi. Nơi nào có anh chị em tín hữu, nơi đó là gia đình của tôi." Thật vậy, giống như những người anh em chủng sinh của tôi, những người bạn Tây Ban Nha ấy đã trở thành gia đình tôi. Và khi bài viết này được đăng, tôi đã có diễm phúc làm phép Rửa cho con gái của họ, bé Teresa. Giữa những kỳ thi vấn đáp, những buổi thực tập dâng lễ, các Giờ Chầu Thánh Thể và những cuộc hành hương viếng thăm mộ các thánh, bóng đen bệnh tật của mẹ vẫn luôn bao trùm. Tôi hạnh phúc và biết ơn những ngày tháng ở Thành phố Vĩnh cửu, nhưng tôi cũng biết rằng ngày mẹ được đón về cuộc sống vĩnh cửu sẽ sớm đến. Sau hai năm ở Rome, tôi được trở về giáo phận Austin để trải qua một năm mục vụ; những ngày nghỉ tôi dành ở nhà với ba mẹ quả thực là một món quà. Nhưng mẹ vẫn phải chịu đựng nhiều đau đớn, và khi tôi lên máy bay trở lại Rome cho năm học thứ ba, tôi không hề biết rằng đó là lần cuối cùng tôi được ôm mẹ ở cõi đời này. Khi ba gọi cho tôi vào rạng sáng ngày 7 tháng 3 năm 2024 để báo rằng mẹ đã qua đời – ngay giữa Mùa Chay và chỉ hai tháng trước lễ truyền chức phó tế của tôi – đó dường như là ngày tồi tệ nhất trong đời tôi. Nhưng, như tôi đã chia sẻ trong một bài giảng trước toàn thể cộng đoàn, ngày hôm sau, khi tôi đến tham dự thánh lễ, ngước nhìn bức khảm Đức Mẹ trên vòm cung điện nguyện đường, chứng kiến đức tin của những người anh em xung quanh, và lãnh nhận chính Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tôi biết một điều chắc chắn: Chúa sẽ lo liệu. Thông điệp đó đã ban cho tôi lòng can đảm để tiếp tục, hy vọng giữa muôn vàn bấp bênh, và niềm vui trong việc bước theo kế hoạch của Chúa dành cho đời mình. Tôi cầu nguyện rằng điều ấy cũng sẽ nâng đỡ bạn. Tác giả: Phó tế Scott Fyall Nguồn: Oursundayvisitor Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 22 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Những hướng dẫn đơn giản và cơ bản để lắng nghe Chúa trong cuộc sống Lý do nào khiến chúng ta không muốn trở nên thánh? Cho đi mà không tính toán Xưng tội đúng cách: Lời khuyên từ một linh mục Thánh Gabriel được tôn vinh trong phụng vụ tháng Ba như thế nào? Chìa khóa của cầu nguyện là học cách xin điều đúng đắn Một trong những lý do chính khiến chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa Thánh Giuse: Mẫu gương về tình phụ tử, đức tin và sự bảo vệ