Sống đẹp Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào thái độ sống của chúng ta Cách đây vài năm, tôi ngồi trên một chuyến xe buýt chật kín người giữa cái nóng gay gắt giữa trưa ở Manila. Người đàn ông bên phải tôi không ngừng than phiền về cái nóng ngột ngạt, trong khi người phụ nữ bên trái lại nhắm mắt lặng lẽ lần chuỗi Mân Côi. Hai thái độ hoàn toàn trái ngược trước cùng một hoàn cảnh! Một người chọn cách than phiền không ngớt (như thể tôi cần được nhắc nhở về cái nóng), còn người kia lại chọn cách chìm sâu trong sự hiệp thông thầm lặng với Thiên Chúa. Quan trọng hơn hết, chính thái độ sống quyết định hạnh phúc của chúng ta. Hoàn cảnh hay những trải nghiệm của chúng ta không phải là yếu tố duy nhất mang lại hạnh phúc. Có những người có được những điều tốt đẹp nhất trong đời nhưng vẫn không hạnh phúc, trong khi có những người luôn giữ được niềm vui ngay cả trong những tình cảnh khắc nghiệt nhất. Tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta suy nghĩ, hành động và phản ứng trước cuộc sống. Thật thú vị khi nhận ra rằng Chúa Giêsu đã công bố Tám Mối Phúc với các môn đệ của Ngài trong chương 6 của Tin Mừng theo Thánh Luca, chứ không phải với tất cả những người đang theo Ngài: "Người ngước mắt nhìn các môn đệ và nói: ‘Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.’” (Lc 6,20) Dường như Ngài đang nhắc nhở họ rằng chỉ đi theo Ngài thôi là chưa đủ; họ còn phải chia sẻ chính thái độ của Ngài nếu muốn được hưởng niềm hạnh phúc của Ngài. Thái Độ Của Chúa Giêsu – Con Đường Dẫn Đến Hạnh Phúc Đích Thực Tám Mối Phúc không chỉ đơn thuần là những lời dạy về luân lý mà còn là những thái độ siêu nhiên, chính những thái độ mà Chúa Giêsu đã sống và nhờ đó Ngài đạt được hạnh phúc đích thực. Hơn nữa, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thông truyền cho chúng ta những mối phúc này qua Chúa Thánh Thần. Ngài mời gọi chúng ta chấp nhận những thiếu thốn mà chúng ta không thể thay đổi, bởi vì Ngài đã tự nguyện chọn sự nghèo khó để cứu độ chúng ta: "Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có." (2 Cr 8,9) Ngài kêu gọi chúng ta chịu đói khát vì Ngài đã chịu đói trong sa mạc vì chúng ta: "Ngài ăn chay bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và sau đó Ngài cảm thấy đói" (Mt 4,2). Ngài mời gọi chúng ta khóc thương vì tội lỗi của mình và của người khác, vì chính Ngài cũng đã khóc thương Giêrusalem: "Ngài khóc thương thành, mà nói: ‘Phải chi hôm nay ngươi cũng nhận ra những điều đem lại bình an cho ngươi!’" (Lc 19,42). Ngài mời gọi chúng ta đón nhận những sự sỉ nhục và khước từ, vì chính Ngài, Đấng Thánh, cũng đã bị liệt vào hàng tội nhân: "Người bị liệt vào số những kẻ gian ác." (Lc 22,36) Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải rèn luyện những thái độ của Ngài nếu muốn được chung hưởng niềm vui của Ngài. Những thái độ này là con đường duy nhất được Thiên Chúa đảm bảo sẽ mang lại hạnh phúc đích thực, cả trong cuộc đời này và trong cuộc sống mai sau. Càng sống và vun trồng những thái độ giống Chúa Kitô, chúng ta càng có thể duy trì hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Ba Cách Để Sở Hữu Và Phát Triển Các Mối Phúc 1. Duy trì một tình bạn thân tín và bền vững với Chúa Giêsu Cha tôi từng nói: “Hãy cho cha biết bạn của con là ai, cha sẽ nói con là người thế nào.” Ông muốn dạy tôi rằng tôi sẽ tiếp thu những thái độ của những người bạn thân thiết nhất của mình. Không gì ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta nhiều như tình bạn. Chúa Giêsu đã gọi chúng ta là bạn vì Ngài đã thông truyền cho chúng ta mọi điều Ngài nghe từ Chúa Cha: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng gọi anh em là bạn hữu, vì Thầy đã cho anh em biết tất cả những gì Thầy nghe từ Cha Thầy" (Ga 15,15). Tình bạn với Ngài sẽ tác động đến thái độ sống của chúng ta. Chúng ta có tin tưởng vào tình bạn với Chúa Kitô không? Chúng ta có tin rằng Ngài luôn ở với chúng ta trong mọi hoàn cảnh không? Chúng ta có tin rằng Ngài đang huấn luyện chúng ta theo thái độ của Ngài không? Chúng ta có tin vào quyền năng ân sủng của Ngài để có thể hành động như Ngài không? Chỉ khi nào chúng ta duy trì tình bạn bền vững và tin tưởng với Chúa, Ngài mới có thể hướng dẫn và đào tạo chúng ta trong các mối phúc của Ngài. 2. Từ bỏ những thái độ xấu Nếu tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu là chân thật, nó sẽ giúp chúng ta nhận ra và đối diện với những thái độ không phù hợp với Ngài. Chúng ta không thể tiếp tục biện hộ cho những thái độ xấu của mình bằng cách nói: “Tôi vốn sinh ra đã như thế” hay “Tôi được nuôi dạy như vậy.” Chúa Giêsu sẽ từ từ biến đổi chúng ta nếu chúng ta khiêm tốn dâng lên Ngài những thái độ xấu và nài xin Ngài huấn luyện chúng ta theo cung cách của Ngài. 3. Luôn hướng về cõi vĩnh hằng trong mọi chọn lựa và thái độ sống Tám Mối Phúc là những tâm thế của hiện tại nhưng lại nhắm đến một kết quả trong tương lai. Chúa Giêsu đã có những thái độ này vì Ngài không chỉ sống cho hiện tại mà còn hướng về niềm vui mai sau: "Vì niềm vui đang chờ phía trước, Ngài đã chịu khổ hình thập giá, khinh chê ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa" (Dt 12,2). Chúng ta cũng không được sống chỉ vì hiện tại, tìm cách giải quyết các vấn đề trước mắt mà quên đi cõi đời đời. Thánh Phaolô cảnh báo chúng ta: "Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc sống này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người" (1 Cr 15,19). Kết Luận Thiên Chúa là một cộng đoàn hạnh phúc hoàn hảo và Ngài mong muốn trao ban hạnh phúc ấy cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Ngài khao khát hạnh phúc cho chúng ta hơn chính chúng ta khao khát nó. Dù trong quá khứ chúng ta có thái độ sống thế nào đi nữa, thì ngay lúc này đây, chúng ta vẫn có thể bắt đầu cầu xin, đón nhận và vun trồng những thái độ siêu nhiên – thái độ của Chúa Giêsu, để có thể đạt được hạnh phúc đích thực, trong đời này và đời sau. Tác giả: Lm. Nnamdi Moneme, OMV Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 19 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Những hướng dẫn đơn giản và cơ bản để lắng nghe Chúa trong cuộc sống Lý do nào khiến chúng ta không muốn trở nên thánh? Cho đi mà không tính toán Xưng tội đúng cách: Lời khuyên từ một linh mục Thánh Gabriel được tôn vinh trong phụng vụ tháng Ba như thế nào? Chìa khóa của cầu nguyện là học cách xin điều đúng đắn Chúa sẽ lo liệu: Một chủng sinh suy ngẫm về cơn bạo bệnh của mẹ mình Một trong những lý do chính khiến chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa