Sống đẹp Khi Cám dỗ trở thành Tội lỗi: trách nhiệm thuộc về ai? Có những lúc, nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải thừa nhận rằng chính ta đã đặt mình vào hoàn cảnh dẫn đến cám dỗ và khiến ta sa ngã. Khi cám dỗ xuất hiện, miễn là ta không ưng thuận hay tìm thấy niềm vui trong đó, ta không phạm tội. Tuy nhiên, không phải lúc nào cám dỗ cũng tự nhiên mà đến. Đôi khi, chính ta là nguyên nhân chính, vì đã tự đặt mình vào tình huống dễ dàng rơi vào cám dỗ. Cám dỗ dẫn đến tội lỗi Thánh Phanxicô Saviê đã làm sáng tỏ thực tế thiêng liêng này trong tác phẩm Dẫn vào đời sống đạo đức: "Có những khi chính cám dỗ đã là tội đối với chúng ta, vì chúng ta đã tự mang nó đến với mình. Ví dụ, nếu tôi biết rằng cờ bạc khiến tôi nóng giận và thốt ra những lời phạm thượng, và rằng mỗi lần chơi là một lần rơi vào cám dỗ, thì tôi phạm tội mỗi khi ngồi vào bàn chơi, và tôi chịu trách nhiệm về mọi cám dỗ có thể xảy ra. Tương tự, nếu tôi biết rằng một nhóm bạn nào đó thường lôi kéo tôi vào điều xấu, nhưng tôi vẫn cố tình tìm đến họ, thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những cám dỗ mà tôi gặp phải khi ở bên họ." Việc xác định một cám dỗ có phải là tội hay không đòi hỏi sự phân định. Một linh hướng đáng tin cậy có thể giúp ta nhận ra liệu ta có cố tình tìm kiếm cám dỗ hay nó chỉ bất chợt xuất hiện trong tâm trí. Thánh Phanxicô Saviê cũng đưa ra một nguyên tắc phân định quan trọng: "Vậy nên, khi con bị cám dỗ phạm tội, hãy xem xét liệu con có tự nguyện đưa mình vào hoàn cảnh đó hay không. Nếu con nhận ra rằng chính mình đã tạo điều kiện cho cám dỗ – bằng cách tự đặt mình vào tình huống ấy hoặc không lường trước điều đáng ra phải tránh – thì đó là tội. Nhưng nếu con không làm gì để dẫn đến cám dỗ, thì nó không thể được xem là tội của con." Chẳng hạn, nếu ai đó nghiện nội dung khiêu dâm, thì việc một mình lên mạng trong không gian riêng tư có thể là con đường dẫn đến sa ngã. Chúng ta cần thành thật với chính mình và nhận ra những tình huống có thể đưa ta đến cám dỗ. Đôi khi, cám dỗ đến từ những điều tưởng chừng vô hại, như một người bạn thích buôn chuyện. Nếu ta đang cố gắng từ bỏ thói quen nói xấu người khác, có lẽ ta cần hạn chế thời gian ở bên người bạn đó. Bởi ta biết rằng, nếu ở cạnh họ, ta sẽ bị cuốn theo và khó lòng cưỡng lại. Sống một cuộc đời đạo đức, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng tin vui là Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta ân sủng cần thiết để có thể chống lại cám dỗ khi nó xuất hiện. Tác gải: Philip Kosloski Nguồn: Aleteia Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 27 tháng 2 Năm 2025 Bài liên quan Chiến tranh và Hòa bình Lời chứng của nữ diễn viên Beatrice Fazi: Tiếng Chúa nói trong tâm hồn Hành trình đức tin của một huấn luyện viên karate ở Hong Kong Ơn hoán cải của triết gia Eric-Emmanuel Schmitt ĐTC bắt đầu án phong thánh tương đương cho 16 nữ tu Cát Minh tử đạo trong thời Cách mạng Pháp