Sống đẹp Xưng tội đúng cách: Lời khuyên từ một linh mục Biết cách bắt đầu và kết thúc một hoạt động luôn là điều hữu ích. Kiến thức này giúp ta giảm bớt căng thẳng hoặc lo lắng trước sự kiện sắp diễn ra, đặc biệt là khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Việc biết cách mở đầu và kết thúc đúng cách sẽ giúp ta xưng tội cách sốt sắng và hiệu quả, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến những người đang chờ đến lượt phía sau. Mặc dù bài viết này không đề cập đến các bước xét mình trước khi xưng tội, nhưng đó vẫn là bước quan trọng đầu tiên trước khi bước vào tòa giải tội. Bài viết này tập trung vào những gì diễn ra bên trong tòa giải tội. Dưới đây là những bước thực hành cụ thể: Kiên Nhẫn Chờ Đợi Hãy kiên nhẫn chờ đến lượt mình bước vào tòa giải tội. Kiên nhẫn là một nhân đức cần thiết trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi ta đang ở trong nhà thờ và xếp hàng chờ xưng tội. Đóng Cửa Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng rất nhiều người vô tình quên mất. Vì vậy, hãy nhớ đóng cửa khi bước vào tòa giải tội. Nếu không, những người đang chờ bên ngoài có thể nghe thấy cuộc trò chuyện của bạn với linh mục, và không ai muốn tội lỗi của mình bị công khai! Bắt Đầu Xưng Tội Có một công thức truyền thống để mở đầu Bí tích Hòa giải. Hối nhân sẽ là người nói trước, bắt đầu bằng câu: “Thưa cha, xin ban phép lành cho con vì con đã phạm tội. Lần xưng tội cuối của con là [số ngày, tuần, tháng, hoặc năm trước]. Đây là những tội lỗi của con…” Việc nêu rõ khoảng thời gian kể từ lần xưng tội cuối cùng là cần thiết để linh mục, người được Thiên Chúa chọn làm lương y thiêng liêng, có thể hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của hối nhân. Cách xưng tội của một người vừa mới đi xưng tội một tháng trước sẽ khác xa so với người đã rời xa Bí tích này suốt 25 năm! Nói Rõ Ràng Hối nhân cần nói một cách rõ ràng với linh mục, người đại diện cho Chúa Kitô, để bảo đảm rằng cha có thể nghe và hiểu được tất cả những gì được xưng thú. Kết Thúc Xưng Tội Hối nhân có thể kết thúc bằng cách thưa với linh mục: “Thưa cha, con khiêm tốn xin Chúa tha thứ tất cả những tội lỗi này, cũng như những tội lỗi trong quá khứ mà con không nhớ ra. Xin cha ban cho con sự tha thứ, việc đền tội và ơn xá giải.” Đây là một cách tuyệt vời để kết thúc phần xưng tội của mình! Kinh Ăn Năn Tội Đây là lúc đọc Kinh Ăn Năn Tội. Nếu bạn chưa thuộc lòng kinh này, có thể tìm thấy nó trong tòa giải tội, thường được dán trên tường hoặc in trên một tấm thẻ. Một số người cũng lưu sẵn bản điện tử để đọc khi cần. Khi đọc Kinh Ăn Năn Tội, hãy cầu nguyện với tất cả lòng sốt sắng và quyết tâm tránh xa tội lỗi! Lời Xá Giải Đây là phần linh mục công bố lời xá giải. Đây có lẽ là những lời an ủi nhất mà một người có thể nghe được, tựa như một liều thuốc xoa dịu linh hồn mỏi mệt: “Vậy, Cha tha tội cho con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.” Làm Dấu Thánh Giá Mặc dù không bắt buộc, nhưng nhiều hối nhân có thói quen làm dấu Thánh giá khi nghe lời xá giải, đặc biệt là khi linh mục đọc danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Được Tha Thứ Linh mục có thể kết thúc với những lời tràn đầy lòng thương xót và chân lý: “Tội lỗi của con đã được tha. Con hãy ra về bình an!” Rời Tòa Giải Tội Khi rời đi, hãy đứng dậy nhẹ nhàng. Lần này, thay vì đóng cửa, bạn nên để cửa mở để hối nhân tiếp theo có thể dễ dàng bước vào. Việc biết cách bắt đầu và kết thúc khi xưng tội, dù không phải là điều quan trọng nhất của Bí tích Hòa giải, nhưng lại giúp tăng thêm vẻ đẹp và sự trọn vẹn khi lãnh nhận ơn thánh. Hơn nữa, từ góc nhìn của linh mục, một hối nhân biết tuân theo trình tự đơn giản mà quan trọng này sẽ giúp ngài dễ dàng hơn trong việc dẫn dắt người đó cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu, vị Lương Y Thần Linh của chúng ta. Như lời Thánh Vịnh đã cầu nguyện: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90,17) Tác giả: Lm. Ed Broom, OMV Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 26 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Những hướng dẫn đơn giản và cơ bản để lắng nghe Chúa trong cuộc sống Lý do nào khiến chúng ta không muốn trở nên thánh? Cho đi mà không tính toán Thánh Gabriel được tôn vinh trong phụng vụ tháng Ba như thế nào? Chìa khóa của cầu nguyện là học cách xin điều đúng đắn Chúa sẽ lo liệu: Một chủng sinh suy ngẫm về cơn bạo bệnh của mẹ mình Một trong những lý do chính khiến chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa Thánh Giuse: Mẫu gương về tình phụ tử, đức tin và sự bảo vệ