Tin Giáo Hội Hoàn vũ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO Bài 39: CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA Pr. Lê Hoàng Nam, SJ Hỏi: Làm sao biết có Thiên Chúa tồn tại để mà tôn thờ? Liệu có bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa? Giải đáp: Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người chỉ thích nghe và nói đến những gì mắt thấy tai nghe. “Tin”, đặc biệt là niềm tin tôn giáo, đã trở nên một trò cười. Con người chỉ cảm thấy an tâm về điều gì đó khi giác quan của họ có thể nắm bắt được, vì họ cho rằng nó chắc chắn hơn và sát với chân lý hơn. Những khám phá mới của khoa học đã giúp con người giải đáp những vấn đề khó hiểu mà bấy lâu nay họ cứ gán cho thế lực siêu nhiên. Sự phát triển của các khoa văn chương, khảo cổ cũng giúp giải huyền những câu chuyện bí ẩn. Điều này giúp mở mang trí tuệ của con người và làm cho họ nghĩ rằng cái gọi là niềm tin chỉ dành cho những người thiếu hiểu biết. Họ càng tin tưởng hơn vào sức mạnh của lý trí và sức khám phá của khoa học. Họ cũng bám víu hơn vào trí tuệ của mình, cho rằng mình có thể thấu suốt tất cả, hiểu biết tất cả bằng khả năng phán đoán và kiểm chứng của mình. Những gì nằm ngoài phạm vi thu nhận của giác quan hay đúng hơn là của khoa học, con người phủ nhận hết. Thế nhưng, dù con người có khám phá ra bao nhiêu điều vĩ đại trên thế giới đi chăng nữa, họ vẫn phải thừa nhận rằng phạm vi của những gì họ biết nhỏ bé hơn rất nhiều so với những gì họ không biết. Có rất nhiều điều nằm ngoài phạm vi nắm bắt của giác quan con người. Cái mà con người không thể tri giác được không có nghĩa là nó không tồn tại. Lý trí và khả năng của con người vẫn còn quá nhỏ bé so với biết bao điều bí ẩn và huyền nhiệm vây cuốn mình. Càng khám phá thế giới, con người càng kinh ngạc về hằng hà sa số những điều vượt ngoài tầm với của trí khôn. Con người thường phải đối diện với một mâu thuẫn là: càng hiểu biết nhiều, con người càng cảm thấy mình nhỏ bé, càng mở ra nhiều, con người càng nhận thấy mình cần phải khiêm tốn hơn. Và niềm tin tôn giáo nảy sinh từ sự khiêm tốn này. Thế nhưng, dù biết là mình thấp kém và cần Đấng thần linh bảo vệ, con người lại thờ nhầm thần, tìm nhầm chỗ. Thay vì cố gắng khám phá ra Thiên Chúa, họ lại tạo ra thiên chúa cho mình từ những gì cũng tầm thường và nhỏ bé như mình, thậm chí còn thấp hơn cả mình. Khi ý thức được sự nhỏ bé của mình, con người trực giác về một Cái Gì Đó cao cả hơn mình, là nơi để mình bám víu, tạ ơn và cầu xin sự trợ giúp. Chẳng có một nền văn minh nào hay một xã hội nào lại không có nhu cầu tâm linh này. Kể cả khi người ta tự vỗ ngực cho rằng mình giỏi giang và có quyền lực làm khuynh đảo địa cầu, tận sâu trong lòng, người ta vẫn mang một nỗi sợ vì họ biết rằng mình đang sở hữu những gì đang có trong tay, nhưng mình sẽ mất nó vào một lúc nào đó, dù mình có muốn hay không. Con người biết mình không làm chủ ngay cả với chính bản thân, rằng hơi thở, thân xác mà mình đang mang đều là của nợ của Ai Đó, mình không tạo ra nó và cũng không có đủ quyền năng để điều khiển nó theo ý mình. Nó là cái được tặng ban cho mình. Ai Đó hay Cái Gì Đó này hoàn toàn nằm bên ngoài khả năng nắm bắt của giác quan con người. Ngài là Đấng siêu vượt nhất trong tất cả những gì siêu vượt trong thế giới hữu hình lẫn vô hình. Đấng Siêu Vượt ấy có nhiều tên gọi khác nhau. Kitô giáo gọi Đấng ấy là Thiên Chúa. Vị Thiên Chúa này dĩ nhiên không phải là thần mưa, thần sấm, thần mây mà chúng ta thường thấy trong các câu chuyện cổ hay trên các thước phim. Thiên Chúa không phải là một ai đó ngồi trên các tầng mây, rồi chỉ huy các đạo binh như người ta vẫn tưởng tượng. Ngài cũng không phải là một vị thần lớn và mạnh nhất trong số các vị thần cùng nhau sinh sống ở một ngọn núi thần tiên cực lạc nào đó, ngày ngày nhận cúng phẩm và lời cầu chúc của con người để rồi làm phép lạ ban ơn cho con người như một kiểu đổi chác. Ngài không phải là một ông già tồn tại hàng tỷ tỷ năm trước và còn sống tới bây giờ cho đến mãi về sau, chỉ càng ngày càng già đi chứ không chết. Ngài càng không phải là vị thần nào đó do con người lập miếu, xây đền, tôn vương mà thành. Tất cả những hình ảnh này đều do con người tưởng tượng ra. Và nếu hình dung Đấng Tối Cao theo kiểu như thế thì tôn giáo sẽ gặp nhiều rắc rối không thể giải quyết được. Thiên Chúa của Kitô giáo là một Thiên Chúa tối cao và tuyệt hảo tự bản chất, chứ không phải một cái gì đó được người ta phong tặng cho. Ngài cũng không bị giam hãm tại một nơi nào đó như cây đa, sân đình hay thậm chí là nhà thờ. Chứng minh Thiên Chúa tồn tại Các triết gia đã liệt kê ra rất nhiều luận chứng chứng minh có Thiên Chúa, nhưng phe chống đối cũng đưa ra số lượng tương đương luận chứng chứng minh không có Thiên Chúa. Hai bên kình cãi nhau, đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Bên nào cũng có lý cả. Điều đó cho thấy Thiên Chúa là Đấng vượt trên mọi khả năng nắm bắt và ngôn ngữ của ta. Ta chỉ có thể cảm nhận là có Thiên Chúa qua những dấu vết của Ngài, chứ không thể chứng minh theo kiểu khoa học một cách chắc nịch là có Thiên Chúa. Nói nôm na là thế này: qua những gì mà lý trí con người có thể suy tới, ta chỉ có thể giả định là phải có Thiên Chúa; nếu không có Thiên Chúa, ta sẽ không thể giải quyết được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Như thế, có thể nói rằng, bằng chứng chứng minh có Thiên Chúa thì không thiếu, nó thuyết phục lý trí người ta, nhưng người ta có để cho con tim mình cảm nhận về Ngài hay không thì lại là chuyện khác. Chúng tôi có thể giới thiệu ở đây một vài luận chứng dễ hiểu nhất cùng chút ít giải thích: (1) Luận chứng nguyên nhân tác thành: Từ kinh nghiệm, ta thấy cái gì cũng phải có nguyên nhân cho nó cả. Vì thế, không thể có chuyện có trời đất muôn vật cùng tất cả mọi biến cố xảy ra mà không có một nguyên nhân tối hậu (một nguyên nhân mà không cần nguyên nhân khác làm nguyên nhân cho mình). Đó chính là Thiên Chúa. (2) Luận chứng cứu cánh: Cũng tương tự, ta nhận thấy mọi sự đều hướng đến một đích điểm nào đấy. Lý trí của chúng ta mách bảo chúng ta rằng chắc chắn mọi loài trong thế giới vật chất này phải hướng đến một cùng đích tối hậu. Cùng đích đó là Thiên Chúa. (3) Luận chứng luân lý: Tất cả chúng ta, những người có lý trí bình thường, đều công nhận những giá trị luân lý vĩnh cửu. Những giá trị ấy đã được ghi khắc sẵn trong lòng chúng ta chứ không bị áp đặt từ bên ngoài. Chẳng hạn, ai cũng biết là phải “làm lành lánh dữ”, sống tốt… ai cũng yêu thích cái đẹp, sự chân thành, lòng vị tha… ai cũng bực bội và khó chịu trước sự dữ, yêu thích hoà bình… Những giá trị luân lý ấy phải đến từ Đấng mà ta gọi là Thiên Chúa. (4) Luận chứng về sự công bằng chung cuộc: Thế giới này luôn xảy ra những điều không như chúng ta mong chờ. Rất nhiều lần ta chứng kiến cảnh người hiền phải chịu oan ức, người ác lại cứ vui sướng trong sự ác nghiệt của mình, mà không có một quan toà nào trên thế giới này có đủ quyền năng để đưa ra một phán quyết thoả đáng. Chúng ta xác tín rằng chắc chắn phải có một Đấng Công Bình. Đấng đó sẽ trả lại sự công bằng cho tất cả mọi người, hoặc ở đời này, hoặc ở đời sau. Đấng đó là Thiên Chúa. (5) Luận chứng về kinh nghiệm tôn giáo: Không biết tự bao giờ nhưng con người nào cũng trực giác về một sự siêu nhiên đang bao phủ lấy mình. Chúng ta đều sợ một sức mạnh thần linh vô hình nào đó. Chúng ta cầu trời khấn phật, xin ơn này ơn khác. Chúng ta thường tôn kính người chết, dành cho họ một sự nể trọng. Những tâm tình này là nguyên do cho sự ra đời của tôn giáo, nơi đó, chúng ta tôn thờ một Đấng là chủ tể của cả thế giới vô hình và hữu hình. Đó chính là Thiên Chúa. (6) Luận chứng về phép lạ: Chúng ta đã nhiều lần nghe nói hoặc tự mình chứng kiến một vài sự kiện mà ta gọi là phép lạ. Nó là cái xảy ra một cách lạ kỳ đến độ ta phải trầm trồ và thừa nhận là mình hay bất cứ con người nào khác đều không thể làm được. Ai là chủ thể của những phép lạ ấy? Hẳn là phải có Thiên Chúa. (7) Luận chứng thiết kế: Nhìn vào thế giới, vũ trụ với tất cả những trật tự hài hoà: buổi sáng mặt trời mọc lên, ban đêm có trăng sao, bốn mùa thay đổi, cây cối sinh trưởng và còn rất nhiều những bí mật mà khoa học vẫn chưa khám phá hết… chúng ta sẽ bất giác nghiệm thấy một nguyên lý nào đấy đang chi phối toàn thể sinh linh. Phải có một Đấng đóng vai trò như một nhà thiết kế đã làm nên mọi sự và mặc cho nó những nét đẹp vô cùng. Chắc chắn là không một con người nào đủ bản lĩnh và quyền năng để làm nên những điều này. (8) Kinh nghiệm thần bí: Lịch sử đã ghi lại rất nhiều nhân vật đã có được những kinh nghiệm thần bí, nghĩa là những cảm nghiệm siêu nhiên, gặp gỡ được Đấng nào đấy. Họ đều chứng thực rằng Đấng ấy tuyệt vời vô cùng, không một ngôn từ nào có thể diễn tả cho đủ. Những nhà thần bí này có một đời sống rất tốt và mọi người đều chứng thực những sự biến đổi khôn lường nơi họ. Họ chắc chắn không hề bịa ra câu chuyện này. Họ lại sống ở những thời điểm khác nhau và có cùng một kinh nghiệm như nhau. Từ kinh nghiệm thần bí của họ, ta có thể hướng lòng tin về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đấng Tuyệt Đối ngỏ lời với con người Thân phận của con người quá nhỏ bé trước một Thực Thể siêu việt và vô hình mà triết học Hy Lạp cũng như lý trí con người khám phá ra. Bằng trí tưởng tượng, con người có thể mơ hồ hình dung ra một chút xíu nào đó Đấng Tuyệt Đối, nhưng con người chẳng thể nào vươn đến được với Đấng ấy. Triết học chỉ dừng lại ở việc khám phá ra Đấng Siêu Việt chứ không thể đi xa hơn. Bởi thế, Đấng Siêu Việt của các triết gia hệt như một cái gì đó quá cao xa và lạnh lùng, vì Đấng ấy vốn tự đủ trong chính bản thân mình, không cần ai và cũng không cần đụng chạm đến ai. Mọi loài khác đều phải phụ thuộc vào Ngài. Mọi loài đều bị cái Chân–Thiện–Mỹ của Ngài lôi kéo nhưng Ngài cứ trơ trơ ra đó, chẳng mảy may để ý gì đến chuyển động của mọi loài, của lịch sử, của thế giới và vũ trụ hữu hình này. Đấng ấy chẳng nói, chẳng nghe, chẳng bận tâm, chẳng giúp đỡ ai. Cho nên, giữa con người và Đấng ấy có một khoảng cách vời vợi. Con người dù có nỗ lực đến đâu vẫn mãi là loài hữu hạn, không sao tìm đến và kết hiệp được với Đấng vô hạn như thế. Cuộc hành trình tìm về cội nguồn hiện hữu của mình hoá thành một sự cố gắng trong vô vọng. Nhưng, người Kitô hữu lại có một sự lạc quan rất lớn vì trong khi họ không thể tự mình vươn đến cảnh giới tối cao của vô hình mà tìm gặp Đấng Tuyệt Đối thì Đấng ấy đã chủ động hạ cố và “bắt liên lạc” với con người. Chính Kinh Thánh đã tường thuật lại cho chúng ta biết hành trình hạ mình của Thiên Chúa qua rất nhiều câu chuyện. Thiên Chúa Tối Cao đã không thể tiết lộ tên của mình vì dường như chẳng có tên nào có thể tương xứng với Ngài, chẳng một thuật ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ về Ngài được. Đặt cho Ngài một cái tên là đã giới hạn cái Vô Hạn rồi. Đây là điều không thể! Nhưng khi tỏ mình ra với Môsê nơi bụi gai bốc cháy, Ngài tự xưng mình là “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop”, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa của con người. Khi xưng hô như thế, Thiên Chúa tự khẳng định rằng mình có một mối tương quan với con người chứ không phải một Đấng Tuyệt Đối trơ trơ lạnh lùng, tự đủ ở chót vót trên cao. Rồi sau đó, Ngài trở thành Thiên Chúa của một dân, cùng đồng hành với họ qua những chặng đường dài của lịch sử. Dù hạ mình, nhưng Thiên Chúa vẫn là một Đấng Tuyệt Đối, phi thời gian, siêu vượt trên tất cả. Trí óc của con người chúng ta hạn hẹp, chỉ có thể nắm bắt được những gì nằm trong không gian và thời gian. Với một Thực Thể phi thời gian như Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn không có một khái niệm nào. Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người, nhưng vẫn giữ nguyên là một Thiên Chúa vô hạn, không thể được nắm bắt cách trọn vẹn. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, thuở xa xưa, Ngài liên hệ với con người qua các trung gian như các ngôn sứ, thủ lãnh... Nhưng vào thời sau hết, Ngài đã sai Con của mình giáng thế để “viếng thăm và cứu chuộc dân Người”. Qua người Con này, Thiên Chúa và con người đã không còn xa cách. Trên đây chỉ là vài phác thảo ngắn gọn về Thiên Chúa. Càng đi sâu tìm hiểu về Ngài, ta càng thấy mình chẳng thể hiểu được gì cách trọn vẹn. Đến với Ngài, ta cần niềm tin. Chính niềm tin sẽ mang đến cho chúng ta sự hiểu biết. Đọc thêm: Bài 39: Sao Thiên Chúa trong Cựu ước ác thế? Bài 38: Hai nhân vật Giuse trong Kinh Thánh Bài 37: Phương tiện truyền thông xã hội Bài 36: Những nơi thờ phượng Bài 35: Thiên Chúa ở đâu trong trái tim tôi? Bài 34: Robot thánh Bài 33: Sống cảm thức cùng Giáo hội Bài 32: Lập gia đình theo luật Công giáo Bài 31: Quan điểm của Giáo hội Công giáo về các phương pháp ngừa thai Bài 30: Có Thiên Chúa thật không? Bài 29: Cám dỗ tính dục Bài 28: Chết trong an bình? Bài 27: Thái độ dành cho những người thuộc giới tính thứ ba Bài 26: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 2) Bài 25: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1) Bài 24: Giống nhau không? Bài 23: Khoa học và đức tin: Tưởng thù hóa ra bạn Bài 22: Để tin vào Thiên Chúa vô hình Bài 21: Một đời để sống Bài 20: Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời Bài 19: Cảm nghiệm về Thiên Chúa! Bài 18: Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời ta Bài 17: Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo Bài 16: Tương thân tương ái Bài 15: Áo giáp chống nạn Bài 14: Đức tin kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội Bài 13: Vấn đề truyền giáo Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới” Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt Bài 07: Nhanh từ từ thôi Bài 06: Hiện tượng bóng ma Bài 05: Vượt qua khủng hoảng! Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé! Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất? Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời (Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020) WHĐ (21.02.2021) Ngày 12 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ TƯỜNG THUẬT TỪ UKRAINA: LÁ THƯ CỦA MỘT LINH MỤC Ở KYIV