Tin Giáo Hội Hoàn vũ SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ «Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người» (Gl 6,9-10a) SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Anh chị em thân mến, Mùa Chay là thời gian thuận lợi cho việc canh tân ở phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn, hầu dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh. Đối với hành trình Mùa Chay 2022, thiết nghĩ sẽ rất tốt cho chúng ta khi suy ngẫm về lời khuyên của Thánh Phaolô đối với tín hữu Ga-lát: «Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội (kairós), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người» (Gl 6,9-10a). 1. GIEO VÀ GẶT Trong đoạn thư này, Thánh Tông đồ gợi lên hình ảnh về việc gieo và gặt – một hình ảnh rất đỗi thân thương đối với Đức Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một chairós: đó là thời gian thuận lợi để gieo điều tốt trong viễn ảnh của một mùa gặt hái. Đối với chúng ta, thời gian thuận lợi đó là gì? Chắc chắn rằng đó là Mùa Chay, nhưng cũng là toàn bộ cuộc sống trần thế, mà cách nào đó Mùa Chay là một hình tượng [1]. Trong cuộc sống của chúng ta, thường thì lòng tham và sự kiêu ngạo lại chiếm ưu thế, ước mong có của cải để tích lũy và tiêu xài, như được diễn tả qua dụ ngôn về người khờ dại trong Tin mừng, là kẻ coi cuộc sống của mình được bảo đảm và hạnh phúc, nhờ tích lũy thật nhiều lúa thóc trong kho lẫm (x. Lc 12,16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải và thay đổi não trạng, và như thế cuộc sống của chúng ta mới có được chân lý và vẻ đẹp của nó, không hệ tại ở việc có thật nhiều của cải, mà chính là trong sự trao ban, cũng không phải trong việc tích lũy thật nhiều, nhưng là gieo điều tốt và sự sẻ chia. Chính Thiên Chúa là nhà nông đầu tiên, và với lòng quảng đại, Người «tiếp tục gieo vãi những hạt giống tốt trong nhân loại» (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 54). Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đáp trả ân ban của Thiên Chúa bằng việc đón nhận Lời «sống động và hữu hiệu» của Người (x. Hr 4,12). Việc chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa giúp trưởng thành trong sự ngoan ngoãn sẵn sàng đối với tác động của Người (x. Gc 1,21), điều này làm cho cuộc sống của chúng ta sinh hoa kết trái. Nếu điều này đã khiến chúng ta vui mừng, tuy nhiên còn vui mừng hơn nữa, khi được mời gọi trở thành «cộng sự viên của Thiên Chúa» (x. 1Cr 3,9). Hãy tận dụng tốt thời buổi hiện tại (x. Ep 5,6) để chúng ta cũng vãi gieo bằng cách làm điều tốt. Lời mời gọi gieo điều tốt này không nên xem như một gánh nặng, nhưng là ân huệ mà Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta nối kết cách tích cực với sự hào phóng phong nhiêu của Người. Còn mùa gặt hái? Chẳng phải gieo giống đều nhằm mục đích thu hoạch sao? Chắc chắn vậy. Mối liên hệ mật thiết giữa gieo và thu hoạch được tái xác nhận bởi chính Thánh Phaolô. Thánh nhân khẳng định rằng: «Ai gieo ít thì gặt ít, còn kẻ gieo nhiều thì sẽ gặt nhiều» (2 Cr 9,6). Nhưng đó là vụ mùa nào? Hoa trái tốt lành đầu tiên được gieo vào trong chính chúng ta, trong các mối tương quan thường nhật và ngay cả trong những cử chỉ bé nhỏ nhất của tình thương mến. Và trong Thiên Chúa, không có hành vi yêu thương nào - dù nhỏ - và không có «cố gắng quảng đại» nào lại bị mất đi (x. Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, s. 279). Xem quả thì biết cây (x. Mt 7,16.20), vì thế một cuộc sống đầy tràn những việc tốt lành sẽ được chiếu sáng (x. Mt 5,14-16) và lan tỏa hương thơm của Chúa Ki-tô vào trong thế gian (x. 2 Cr 2,15). Hãy phụng sự Thiên Chúa, hầu thoát khỏi ách tội lỗi và làm chín muồi các hoa trái thánh hóa, vì phần rỗi của mọi người (x. Rm 6,22). Trong thực tế, chúng ta chỉ thấy được một phần nhỏ thành quả của những gì chúng ta gieo, giống như câu tục ngữ trong Phúc âm, «người này gieo, kẻ kia gặt» (Ga 4,37). Chính khi gieo rắc những điều tốt đẹp vì lợi ích của người khác, là lúc chúng ta tham dự vào sự rộng lượng của Thiên Chúa: «Thật là cao cả khi có thể bắt đầu các quá trình mà thành quả của họ sẽ được người khác gặt hái, với niềm hy vọng được đặt vào sức mạnh tiềm ẩn của điều tốt đã được gieo vãi»(x. Thông điệp Fratelli tutti, số 196). Gieo điều thiện lành cho người khác sẽ giải phóng chúng ta khỏi những lý luận hạn hẹp của lợi ích cá nhân, mang lại “phạm vi bao quát nhưng không” cho hành động của chúng ta và tháp nhập chúng ta vào trong chân trời kỳ diệu của những kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa. Lời Chúa mở rộng và nâng cao thêm tầm nhìn của chúng ta: báo cho ta biết về mùa gặt đích thật, đó là ngày cánh chung, nghĩa là ngày cùng tận và chẳng hề lụi tàn. Hoa trái thành tựu của đời sống và hành động của chúng ta đó là «thu hoa lợi để được sống muôn đời» (Gv 4,36), nó sẽ là «kho tàng trên trời» (Lc 12,33; 18,22) của chúng ta. Chính Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt giống gieo vào lòng đất phải chết đi mới trổ sinh nhiều hạt, để diễn tả mầu nhiệm về sự chết và sống lại của Người (x. Ga 12,24); và Thánh Phaolô cũng dùng lại hình ảnh ấy để nói về sự phục sinh nơi thân xác chúng ta: «Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí» (1 Cr 15,42-44). Niềm hy vọng này là ánh sáng lớn lao mà Chúa Kitô Phục sinh mang lại cho thế gian: «Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu» (1 Cr 15,19-20), để những ai được kết hợp mật thiết với Đức Kitô trong tình yêu, «nên một với Người trong cả cái chết» (Rm 6,5), cũng được kết hợp với sự phục sinh của Người, hầu được sống đời đời (x. Gv 5,29): «Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ» (Mt 13,43). 2. “KHI LÀM ĐIỀU THIỆN, CHÚNG TA ĐỪNG NẢN CHÍ” Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sống động những hy vọng trần thế bằng «niềm hy vọng lớn lao» về đời sống vĩnh cửu và đã mang lại căn nguyên của ơn cứu độ trong hiện tại (x. Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Spe salvi, số 3 và 7). Trước sự thất vọng cay đắng vì bao ước mơ tan vỡ, trước nỗi trăn trở về những thách đố đang phải đối diện và trước sự chán nản vì sự nghèo nàn trong phương tiện của mình, chúng ta bị cám dỗ khép mình nơi lòng ích kỷ cá nhân, để rồi trốn tránh và dửng dưng trước những khổ đau của tha nhân. Thực ra, ngay cả các nguồn lực tốt nhất cũng có giới hạn: «Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo» (Is 40,30). Nhưng Thiên Chúa «ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng [...]. Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân» (Is 40,29.31). Mùa Chay mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa(x. 1 Pr 1,21), để chỉ với cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh(x. Hr 12,2), chúng ta mới có thể đón nhận lời khuyên của vị Tông đồ: «Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí» (Gl 6,9). Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng. Đức Giêsu đã dạy về sự cần thiết phải «cầu nguyện luôn, đừng nản chí» ( Lc 18,1). Chúng ta cần phải cầu nguyện bởi vì chúng ta cần Chúa. Thật là một ảo tưởng nguy hiểm khi tự coi mình là đủ. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta sờ chạm tận tay đến thân phận mong manh nơi cá nhân mình và xã hội, thì Mùa Chay này lại cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm ủi an của đức tin vào Thiên Chúa, vì nếu không có đức tin, chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7,9). Không ai tự cứu thoát một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung trên cùng một con thuyền giữa những phong ba bão táp của lịch sử [2]; nhưng trên hết, không ai tự cứu mình được mà không cần đến Chúa, bởi vì chỉ có Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên những vùng biển tối tăm của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những khổ đau của kiếp người, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Kitô; với niềm trông cậy lớn lao như thế sẽ không phải thất vọng, cùng với bảo chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần (x. Rm 5,1-5). Không ngừng loại bỏ điều ác khỏi cuộc sống chúng ta. Việc giữ chay phần xác mà Mùa Chay mời gọi chúng ta, ước gì củng cố thêm tinh thần để chúng ta chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta đừng mỏi mệt cầu xin ơn tha thứ nơi Bí tích Sám hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi trong việc thứ tha [3]. Chúng ta đừng nản chí khi chiến đấu chống lại dục vọng, vì sự yếu đuối đó thúc đẩy xu hướng ích kỷ và mọi điều xấu xa, mà chúng ta đã gặp thấy nó tồn tại nơi những phương thế khác nhau qua các thời đại, để rồi đẩy con người vào đường tội lỗi (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 166). Nguy cơ nghiện các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng là một trong những số đó, nó làm nghèo đi các mối quan hệ giữa con người với nhau. Mùa chay là thời gian thuận lợi để chống lại những cạm bẫy này, và thay vào đó biết trau dồi mối giao tiếp giữa con người với nhau cách trọn vẹn hơn (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 43), vốn được tạo nên từ những «cuộc gặp gỡ thực sự» (Thông điệp Fratelli tutti, số 50), mặt giáp mặt. Đừng nàn chí làm điều thiện, nhiệt tình trong việc bác ái hướng đến tha nhân. Trong Mùa Chay này, chúng ta thực hành việc bố thí, cho đi một cách vui vẻ (x. 2 Cr 9,7). Thiên Chúa «cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng» (2 Cr 9,10) không chỉ để cho mỗi người chúng ta có lương thực đủ dùng, mà để chúng ta còn có thể quảng đại làm việc bác ái đối với người khác. Nếu quả thực cả đời chúng ta là thời gian để gieo điều tốt lành, thì chúng ta hãy tận dụng cách đặc biệt Mùa Chay này, để chăm sóc những người thân cận với chúng ta, hãy gần gũi với những anh chị em đang bị thương tổn trên hành trình của đời sống (x. Lc 10,25-37). Mùa Chay là thời gian thuận lợi để tìm kiếm, chứ không phải trốn tránh những người đang cần chúng ta; để gọi mời, chứ không làm ngơ, đối với những ai muốn nghe một lời tốt đẹp; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người đang đau khổ trong sự cô đơn. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện lời kêu gọi làm điều tốt cho tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người bé nhỏ và ít được bảo vệ nhất, những người bị bỏ rơi và bị khinh miệt, những người bị phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề xã hội (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 193). 3. “VÌ ĐẾN MÙA CHÚNG TA SẼ ĐƯỢC GẶT, NẾU KHÔNG SỜN LÒNG” Hằng năm Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng «điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không phải đạt được một lần là có mãi; nhưng cần phải chinh phục mỗi ngày» (Thông điệp Fratelli tutti, số 11). Vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho mình sự kiên định nhẫn nại của nhà nông(x. Gc 5,7), để từng bước một, chúng ta không ngừng làm điều thiện hảo. Ai té ngã thì hãy chìa tay ra cho Chúa Cha, Đấng luôn đỡ nâng chúng ta lên. Ai sa ngã hay bị lừa dối bởi những lời dụ dỗ của ma quỷ, đừng ngần ngại trở về với Chúa, «vì Người luôn rộng lòng thứ tha» (Is 55,7). Trong thời gian hoán cải này, hãy tìm sự nâng đỡ nơi ân sủng của Thiên Chúa, và trong sự hiệp thông với Giáo hội, chúng ta đừng nản chí gieo vãi điều thiện lành. Việc ăn chay như để chuẩn bị thửa đất, lời cầu nguyện giúp tưới gội, và việc bác ái làm cho sinh hoa kết trái. Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng «vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng», và với ân ban của lòng kiên trì, chúng ta tin sẽ lãnh nhận những điều đã hứa (x. Hr 10,36) cho phần rỗi của chính mình và của người khác (x. 1 Tm 4,16). Bằng cách thực hành tình yêu thương huynh đệ đối với tất cả mọi người, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì ta (x. 2 Cr 5,14-15) và chúng ta được nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời, khi đó Thiên Chúa sẽ là «tất cả trong mọi sự» (1 Cr 15, 28). Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, từ cung lòng Mẹ, Đấng Cứu Độ đã được sinh ra và Mẹ luôn ghi nhớ mọi điều và «suy niệm trong lòng» (Lc 2,19), ban cho chúng ta quà tặng của lòng kiên nhẫn và gần gũi với chúng ta bằng sự hiện diện của tình mẫu tử, để thời gian hoán cải này mang lại hoa trái của ơn cứu độ muôn đời. Rôma, Đền thờ Thánh Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2021, Lễ nhớ Thánh Mactinô, Giám mục. [Đức Thánh Cha Phanxicô] [1] x. Thánh Âu-tinh, Serm. 243, 9,8; 270, 3; En. in Ps. 110, 1. [2] x. Giờ cầu nguyện ngoại thường tại quảng trường thánh Phêrô để cầu nguyện cho thế giới trong thời kỳ dịch bệnh (ngày 27 tháng 3 năm 2020). [3] x. Buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 17 tháng 03 năm 2013. Ngày 11 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA TƯỜNG THUẬT TỪ UKRAINA: LÁ THƯ CỦA MỘT LINH MỤC Ở KYIV