Gia Đình Yếu tố chung trong di sản thiêng liêng của cha ba vị thánh Những người đàn ông phi thường này đã thêm một yếu tố thiêng liêng thiết yếu vào việc nuôi dạy con cái của họ – và điều đó đã mang lại thành quả! Trong thế giới ồn ào và không ngừng nghỉ ngày nay – nơi mà ngay cả suy nghĩ của chính chúng ta cũng bị nhấn chìm bởi tiếng ồn không dứt – hành động lắng nghe trong tĩnh lặng dường như trở thành một điều gì đó mang tính cách mạng, gần như đi ngược lại xu hướng xã hội. Tuy nhiên, sự tĩnh lặng này lại vô cùng quan trọng để trưởng thành trong đức tin. Đó không chỉ đơn thuần là việc ở một mình, mà là một sự mở lòng và mở trí một cách có chủ ý để lắng nghe tiếng Chúa – một tiếng nói trầm lặng nhưng đầy quyền năng có thể biến đổi tâm hồn. Tất nhiên, tìm kiếm và duy trì sự tĩnh lặng không phải là điều dễ dàng. Nhưng nếu nhìn vào cuộc đời của một số vị thánh nổi bật trong lịch sử Giáo hội, bạn sẽ thấy vai trò của việc nuôi dạy con cái trong hành trình nên thánh của họ. Đặc biệt, bạn sẽ thấy rằng khi những người cha dẫn dắt gia đình bằng gương sáng, tạo ra những không gian linh thiêng của sự tĩnh lặng và cầu nguyện, họ đang gieo những hạt giống thánh thiện vào tâm hồn con cái mình. Đây chính là điểm chung trong di sản thiêng liêng mà cha của Thánh Alphonsus Liguori, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Thánh Faustina Kowalska để lại, như chúng ta sẽ thấy dưới đây: Sức mạnh trong tĩnh lặng: Cha của Thánh Alphonsus Liguori Sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng nghiêm khắc gần Naples, Thánh Alphonsus Liguori đã được cha mình, ông Don Joseph de Liguori, giáo dục bằng một kỷ luật cứng rắn. Dù nghiêm khắc và đầy đòi hỏi, người cha này không chỉ rèn giũa con trai mình trong những khuôn khổ về xã hội và pháp luật mà còn hướng dẫn Alphonsus trong đời sống nội tâm. Trong ngôi nhà của họ, cầu nguyện và giáo lý là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày, giống như những bữa ăn vậy. Chính sự nhấn mạnh vào trật tự và suy tư đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho sự thức tỉnh tâm linh nơi Alphonsus. Dù sau này Alphonsus đi theo con đường khác với kỳ vọng của cha mình, nhưng những năm tháng rèn luyện kỷ luật và sự tĩnh lặng nội tâm đã để lại một dấu ấn sâu sắc. Chính bầu khí đó đã giúp ông lắng nghe được tiếng gọi thiêng liêng, biến những khoảnh khắc tuyệt vọng cá nhân thành một sứ vụ rao giảng lòng thương xót và thần học luân lý. "Chủng viện tại gia": Cha của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II Karol Józef Wojtyła – người sau này trở thành Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II – lớn lên trong một gia đình mà theo nhiều cách có thể được xem như một "chủng viện tại gia". Sau khi mất mẹ và anh trai, cha của ngài trở thành người hướng dẫn chính, nêu gương cho ngài về một đời sống cầu nguyện, đơn sơ và phẩm giá trong thinh lặng. Gương sáng của người cha – một người luôn tìm kiếm Chúa trong từng khoảnh khắc, dù là trong tĩnh lặng hay trong những nhịp sống thường nhật – đã dạy cho Karol rằng sức mạnh đích thực đến từ đời sống nội tâm được nuôi dưỡng trong sự tĩnh lặng. Chính di sản thiêng liêng này đã trở thành nền tảng cho đời sống tâm linh của Gioan Phaolô II, giúp ngài sau này trở thành một vị giáo hoàng có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Nuôi dưỡng một tâm hồn đạo đức: Cha của Thánh Faustina Kowalska Dù không có nhiều tài liệu ghi chép chi tiết về ảnh hưởng của cha Thánh Faustina, nhưng theo truyền thống hagiography (tiểu sử thánh), ngài lớn lên trong một gia đình sùng đạo với sự hướng dẫn đầy yêu thương của cha mẹ. Cha của Faustina được nhớ đến như một người sống đời cầu nguyện, khiêm tốn cậy dựa vào Thiên Chúa, và đã tạo nên một bầu khí linh thiêng trong gia đình. Ở đó, sự tĩnh lặng thiêng liêng không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một thực tại sống động. Chính trong bầu khí này – nơi sự suy tư thầm lặng đan xen với tình yêu gia đình – những hạt giống của Lòng Chúa Thương Xót đã được gieo vào tâm hồn Faustina. Sau này, khi được mặc khải về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, những ảnh hưởng từ người cha đạo đức của mình vẫn còn vang vọng trong sứ điệp của ngài. Di sản của sự tĩnh lặng linh thiêng trong việc nuôi dạy con cái Trong mỗi gia đình này, sự tận tụy của người cha trong việc nuôi dưỡng sự tĩnh lặng không phải là để xa rời thế giới, mà là để mở lòng mình – và gia đình mình – đến với một mối hiệp thông sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Dù bằng cách duy trì kỷ luật, nhắc nhở nhẹ nhàng về sự hiện diện của Chúa, hay đơn giản là thể hiện sức mạnh nội tâm qua đời sống cầu nguyện, những người cha này đã truyền lại một nhịp sống thiêng liêng giúp con cái họ có thể lắng nghe, thấu hiểu và đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Trong một thế giới tràn ngập tiếng ồn, gương sáng của những người cha này mời gọi chúng ta hôm nay hãy tái khám phá những khoảng không gian tĩnh lặng trong tâm hồn và gia đình mình – để lắng nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa, và để nuôi dạy con cái bằng tình yêu, lòng thương xót và kỷ luật dẫn đến sự thánh thiện. Tác giả: Cerith Gardiner Nguồn: Aleteia Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tồng Đồ Ơn Gọi Ngày 1 tháng 4 Năm 2025 Bài liên quan Nuôi dưỡng các Thánh Nhân: sức mạnh của sự tĩnh lặng Những bài học rút ra từ loạt phim đình đám Adolescence Sự nâng đỡ và hy vọng dành cho những người cha Công giáo mất con Hôn nhân và đời sống chung trong thời gian khó khăn: Gắn kết nhờ đức tin. 5 Nguyên Nhân Gây Mâu Thuẫn Gia Đình và Cách Vượt Qua Khi Đức tin, Hy vọng và Tình yêu đòi hỏi sự hy sinh 6 Bài Học Từ Chân Phước Pier Giorgio Frassati Dành Cho Gia Đình Trong Mùa Chay Mùa Chay đáng nhớ nhất của gia đình tôi