Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới cho Năm Thánh về chủ đề của Năm Thánh “Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy Vọng của chúng ta”. Hôm nay, chúng ta suy ngẫm về các trình thuật Tin Mừng về gia phả của Chúa Giêsu, nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời và căn tính của Người thuộc về một lịch sử vĩ đại hơn vốn bao gồm tổ tiên, gia đình của Người và đức tin của toàn thể dân tộc Israel. Sự hiện diện của bốn người phụ nữ dân ngoại trong gia phả theo thánh Mátthêu nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu cuối cùng đã được sai đến làm Đấng Cứu Rỗi cho mọi dân tộc. Sự giáng sinh của Chúa Giêsu từ Đức Trinh Nữ Maria tự nó là dấu hiệu của một khởi đầu mới cho gia đình nhân loại chúng ta. Chúng ta hãy khơi dậy ký ức biết ơn về tổ tiên chúng ta. Và trên hết, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, Đấng, qua Mẹ Hội Thánh, đã sinh ra chúng ta cho sự sống đời đời: sự sống của Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 18/12/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu loạt bài giáo lý vốn sẽ tiếp tục trong suốt Năm Thánh. Chủ đề là “Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy Vọng của chúng ta”: vì Người là mục tiêu cuộc hành hương của chúng ta, và chính Người là con đường để chúng ta đi theo.
Phần đầu tiên sẽ nhìn lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu, được các Thánh sử Mátthêu và Luca thuật lại cho chúng ta (x. Mt 1-2; Lc 1-2). Các Tin Mừng về Thời Thơ Ấu kể lại cuộc thụ thai trinh nguyên của Chúa Giêsu và việc Người sinh ra từ cung lòng Đức Maria; các Tin Mừng này nhắc lại những lời tiên tri về Đấng thiên sai đã được ứng nghiệm nơi Người và nói về tư cách làm cha hợp pháp của thánh Giuse, người đã ghép Con Thiên Chúa vào “thân cây” của triều đại Đavít. Chúng ta được thấy một Chúa Giêsu sơ sinh, hài nhi và thanh thiếu niên, vâng phục cha mẹ, đồng thời ý thức rằng Người hoàn toàn tận hiến cho Chúa Cha và Vương Quốc của Ngài. Sự khác biệt giữa hai Thánh sử là trong khi Luca kể lại các sự kiện qua ánh mắt của Đức Maria, thì Mátthêu lại kể lại qua ánh mắt của thánh Giuse, nhấn mạnh vào tình phụ tử chưa từng có này.
Thánh Mátthêu bắt đầu Tin Mừng của mình và toàn bộ quy điển Tân Ước bằng “gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham” (Mt 1, 1).
Đó là danh sách những cái tên đã có trong Thánh Kinh tiếng Do Thái, để chỉ ra sự thật về lịch sử và sự thật về đời sống con người. Trên thực tế, “gia phả của Chúa hệ tại câu chuyện có thật, bao gồm một số nhân vật phải nói ít nhất là có vấn đề, và tội lỗi của Vua Đavít cũng được nhấn mạnh (x. Mt 1, 6). Tuy nhiên, mọi thứ đều đạt đến đỉnh cao với Đức Maria và Chúa Kitô (x. Mt 1, 16)” (Thư về việc đổi mới nghiên cứu lịch sử Giáo hội , ngày 21 tháng 11 năm 2024). Như thế, xuất hiện sự thật về cuộc sống con người, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang lại ba điều: một cái tên hàm chứa một căn tính và sứ mạng độc nhất; thuộc về một gia đình và một dân tộc; và cuối cùng, việc gắn bó trong đức tin với Thiên Chúa của Israel.
Gia phả là một thể loại văn chương, tức là một hình thức thích hợp để truyền tải một thông điệp vô cùng quan trọng: không ai tự cho mình sự sống, nhưng nhận nó như một món quà từ người khác. Trong trường hợp này, chính dân được tuyển chọn, và những người thừa hưởng di sản đức tin từ tổ tiên, khi truyền lại sự sống cho con cháu, cũng truyền lại cho họ niềm tin vào Thiên Chúa.
Tuy nhiên, không giống như các gia phả của Cựu Ước, trong đó chỉ xuất hiện tên nam giới, vì ở Israel, người cha đặt tên cho con mình, trong danh sách tổ tiên của Chúa Giêsu nơi Mátthêu, phụ nữ cũng xuất hiện. Chúng ta tìm thấy năm người trong số họ: Tamar, con dâu của ông Giuđa, người góa bụa, giả làm gái điếm để bảo đảm có con nối dõi cho chồng (x. Stk 38); Rakháp, gái điếm thành Giêricô, người đã cho phép các nhà thám hiểm Do Thái vào đất hứa và chinh phục nó (x. Gs 2); Rút, người Moab, trong cuốn sách cùng tên, luôn trung thành với mẹ chồng, chăm sóc bà và sẽ trở thành bà cố của Vua Đavít; Bátsêba, người mà Đavít phạm tội ngoại tình và, sau khi chồng bà bị giết, đã sinh ra Salômon (x. 2 Sm 11); và cuối cùng là Đức Maria người Nadarét, vợ của thánh Giuse, thuộc dòng dõi Đavít: từ Mẹ mà Đấng Mêsia, Chúa Giêsu, đã được sinh ra.
Điểm chung của bốn người phụ nữ đầu tiên không phải ở chỗ họ là tội nhân, như người ta thường nói, nhưng họ là dân ngoại đối với dân Israel. Điều mà Mátthêu làm nổi bật đó là, như Đức Bênêđíctô XVI đã viết, “qua họ, thế giới của Dân Ngoại bước vào … gia phả của Chúa Giêsu – sứ mạng của Người đối với người Do Thái và Dân Ngoại trở nên hữu hình” (The Infancy Narratives , Milan-Vatican City 2012, 15).
Trong khi bốn người phụ nữ đầu tiên được nhắc đến cùng với người con do họ sinh ra hoặc cùng với người là cha của nó, thì trái lại, Đức Maria lại nổi bật một cách đặc biệt: Mẹ đánh dấu một khởi đầu mới. Bản thân Mẹ là một khởi đầu mới, bởi vì trong câu chuyện của Mẹ, con người thụ tạo không còn là nhân vật chính của việc sinh hạ nữa, mà là chính Thiên Chúa. Điều này được thấy rõ qua động từ “được sinh ra”: “Giacóp sinh ra Giuse, chồng của bà Maria, từ bà mà Chúa Giêsu được sinh ra” (Mt 1, 16). Chúa Giêsu là con vua Đavít, được Thánh Giuse tháp nhập vào triều đại đó và được mệnh danh là Đấng Mêsia của dân Israel, nhưng Người cũng là con cháu của tổ phụ Abraham và của những người phụ nữ dân ngoại, do đó, được mệnh danh là “Ánh sáng cho Dân ngoại ” (x. Luca 2, 32) và là “Đấng Cứu Thế ” (Ga 4, 42).
Con Thiên Chúa, được thánh hiến cho Chúa Cha với sứ mạng mặc khải dung nhan Ngài (x. Ga 1,18; Ga 14,9), đã đi vào thế gian như tất cả con cái loài người, đến nỗi ở Nadarét Người sẽ được gọi là “ con ông Giuse” (Ga 6, 42) hay “con trai bác thợ mộc” (Mt 13, 55). Thiên Chúa thật và người thật.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy khơi dậy nơi mình ký ức biết ơn về tổ tiên. Và trên hết, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, Đấng, qua Mẹ Hội Thánh, đã sinh ra chúng ta cho sự sống đời đời, sự sống của Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta.
—————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: slmedia.org )