Tin Giáo Hội Hoàn vũ Các tân Hồng y của Đức Giáo hoàng Phanxicô tiết lộ điều gì về mật nghị tương lai? TGPSG / CNA (9.12.2024) – Với con số kỷ lục 140 hồng y có thể tham gia một mật nghị Hồng y trong tương lai tại Nhà nguyện Sistine. Con số này ban đầu là 141, nhưng Hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot qua đời vào ngày 25 tháng 11 đã giảm đi một vị. Tổng cộng, Hồng y đoàn hiện có 253 thành viên. Số lượng Hồng y cử tri là dữ liệu quan trọng nhất được công bố từ Công nghị Hồng y cuối tuần vừa qua. Trong số 140 Hồng y cử tri, có 110 vị được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm, 24 vị được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm, và 6 vị được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm. Đến cuối năm nay, vào ngày 24 tháng 12, Hồng y Oswald Gracias người Ấn Độ, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI phong Hồng y năm 2007, sẽ bước sang tuổi 80 và do đó sẽ không còn quyền tham gia vào mật nghị. Năm 2025, sẽ có thêm 14 Hồng y tròn 80 tuổi. Đó là các Hồng y Christoph Schoenborn, Fernando Vergez Alzaga, Celestino Aos Braco, George Alencherry, Carlos Osoro Sierra, Robert Sarah, Stanislaw Rylko, Joseph Coutts, Vinko Pulhić, Antonio Canizares Llovera, Vincent Nichols, Jean-Pierre Kutwa, Nakellentuba Ouédraogo và Timothy Radcliffe. Trong số này, hai vị được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng y, bốn vị do Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, và tám vị do Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm. Tuy nhiên, sẽ phải chờ đến tháng 5 năm 2026 thì số lượng Hồng y cử tri mới trở lại mức 120 như quy định do Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập, một quy định chưa từng bị bãi bỏ. Những lựa chọn của Đức Giáo hoàng Phanxicô Lần đầu tiên, có một vị Hồng y tại Iran, đó là Tổng Giám mục Dominique Matthieu của Tổng Giáo phận Tehran-Ispahan, là một nhà truyền giáo người Bỉ. Đây cũng là lần đầu tiên có một Hồng y tại Serbia, khi Tổng Giám mục Ladislav Nemet của Belgrade nhận mũ đỏ. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phong Hồng y cho 72 quốc gia khác nhau, trong đó 24 quốc gia lần đầu tiên có Hồng y. Ngài cũng đã cho thấy rằng ngài không lựa chọn dựa trên các ghế hồng y truyền thống. Chẳng hạn, hiện không có Hồng y nào lãnh đạo hai Tòa Thượng phụ Châu Âu lịch sử là Lisbon và Venice, cũng như ở Milan, Florence, hay Paris. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Trong công nghị lần này, Đức Giáo hoàng đã phong Hồng y cho các Tổng Giám mục của Turin, Naples, Lima, Santiago de Chile, Toronto, và linh mục Tổng Đại diện của Giáo phận Rôma. Việc Naples được đưa vào danh sách đã gây đôi chút bất ngờ. Quyết định này của Đức Thánh Cha được thông báo qua một tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 4 tháng 11. Tổng Giám mục Battaglia của Naples đã thay thế Giám mục Bruno Syukur của Bogor, Indonesia, người đã xin Đức Giáo hoàng rút tên mình khỏi danh sách các tân Hồng y vì lý do cá nhân không được nêu rõ. Sự cân bằng địa lý trong Hồng y Đoàn Đức Giáo hoàng đã không chọn thay thế vị Hồng y tiềm năng từ Indonesia bằng một Hồng y khác đến từ Châu Á. Trong khi đó, tỷ lệ Hồng y người Ý trong Hồng y đoàn hiện thấp nhất từ trước đến nay, ít nhất là trong thời hiện đại. Chỉ trong thời kỳ gọi là "Lưu đày Avignon" (1309–1377) thì tỷ lệ Hồng y người Ý mới thấp như vậy. Tuy nhiên, danh sách 17 Hồng y của Ý cần bổ sung thêm Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh của Giêrusalem, được tính vào khu vực Châu Á, và Hồng y Giorgio Marengo, Đại diện Tông Tòa tại Mông Cổ, cũng thuộc Châu Á. Riêng Hồng y Angelo Becciu hiện được coi là không có quyền bầu cử, nhưng tình trạng này vẫn đang được xem xét. Đức Giáo hoàng Phanxicô trước đây đã yêu cầu ngài từ bỏ các đặc quyền của một Hồng y, nhưng vẫn mời ngài tham dự các công nghị và thánh lễ, nơi ngài luôn ngồi trong hàng Hồng y. Nếu không có quyết định nào được đưa ra trước đó, Hồng y đoàn sẽ quyết định bằng đa số phiếu về việc liệu Đức Hồng y Becciu có được tham dự mật nghị hay không. Phân bổ theo khu vực Sự cân bằng theo khu vực về cơ bản vẫn được duy trì. Châu Âu: có thêm ba tân Hồng y, bên cạnh bốn Hồng y người Ý có quyền bầu cử: Tổng Giám mục Ladislav Nemet của Belgrade (58 tuổi), Tổng Giám mục Rolandas Makrickas (52 tuổi), Phụ tá Giám quản Vương cung Thánh dường Đức Bà Cả từ tháng Ba, Linh mục Dòng Đa Minh Timothy Radcliffe (79 tuổi). Như vậy, Châu Âu hiện có 55 Hồng y. Châu Mỹ Latinh: có thêm năm tân Hồng y. Mũ đỏ được trao cho các giáo phận đã từng có Hồng y nhiều lần, như: Tổng Giám mục Carlos Gustavo Castillo Mattasoglio (74 tuổi) ở Lima, Tổng Giám mục Fernando N. Chomali Garib (67 tuổi) ở Santiago de Chile. Ngoài ra, một số giáo phận lần đầu tiên có Hồng y, như: Tổng Giám mục Luis Gerardo Cabrera Herrera (69 tuổi) ở Guayaquil, Ecuador, Tổng Giám mục Jaime Spengler (64 tuổi), Chủ tịch CELAM, ở Porto Alegre, Brazil. Mũ đỏ trao cho Tổng giám mục Vicente Bokalic Iglic (72 tuổi) của Santiago del Estero cũng là lần đầu tiên. Tuy nhiên, điều này đã được chuẩn bị từ trước bởi quyết định gần đây về việc chuyển danh hiệu Giáo trưởng Argentina từ Buenos Aires đến Santiago del Estero. Hiện tại, Châu Mỹ Latinh có tổng cộng 24 Hồng y (bao gồm Hồng y Celestino Aos Braco, nguyên Tổng giám mục Santiago de Chile, sinh ra tại Tây Ban Nha). Châu Á: có thêm bốn tân Hồng y. Đức Giáo hoàng đã trao mũ đỏ cho: Tổng Giám mục Tarcisius Isao Kikuchi (66 tuổi) của Tokyo, Giám mục Pablo Vigilio Siongo David (65 tuổi) của Kalookan, Philippines, Tổng Giám mục Dominique Joseph Mathieu (61 tuổi) của Tehran. Đây là lần đầu tiên các giáo phận Kalookan và giáo phận Tehran có Hồng y lãnh đạo. Châu Phi: có thêm hai tân Hồng y, nâng tổng số lên 18. Hai vị này là: Tổng Giám mục Jean-Paul Vesco (62 tuổi) ở Algiers, Tổng Giám mục Ignace Bessi Dogbo (63 tuổi) ở Abidjan, Bờ Biển Ngà. Bắc Mỹ: hiện có 14 Hồng y cử tri, với sự bổ sung của Tổng Giám mục Francis Leo (53 tuổi) của Toronto. Châu Đại Dương: hiện có bốn Hồng y cử tri, sau khi Đức cha Mykola Bychok, giám mục của giáo phận Thánh Phêrô và Phaolô tại Melbourne (thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương Ukraina), được phong Hồng y. Ở tuổi 44, ngài trở thành thành viên trẻ nhất trong Hồng y đoàn. Đại diện quốc gia Ý vẫn là quốc gia được đại diện nhiều nhất trong mật nghị, với 17 Hồng y cử tri (cộng thêm 2 vị khác thuộc Châu Á). Hoa Kỳ có 10 Hồng y cử tri, và Tây Ban Nha có 7 (với 3 vị khác ở Morocco, Chile và Pháp). Brazil đã tăng lên 7 cử tri, và Ấn Độ lên 6 cử tri. Pháp vẫn giữ 5 cử tri, trong đó có Tổng Giám mục Vesco tại Bắc Phi. Hồng y François-Xavier Bustillo, giám mục Ajaccio, theo hộ tịch là người Tây Ban Nha nhưng đã nhập quốc tịch Pháp. Argentina và Canada gia nhập nhóm với Ba Lan và Bồ Đào Nha, mỗi quốc gia có 4 Hồng y cử tri, trong khi Đức ngang bằng với Philippines và Vương quốc Anh, mỗi nước đều có 3 cử tri. Tầm ảnh hưởng của các Hồng y cử tri đang làm việc tại Giáo triều Rôma, các cơ quan khác tại Vatican, hoặc tại các tòa sứ thần đã giảm, tương tự như tỷ lệ Hồng y người Ý. Tổng số nhóm này là 34 trong tổng số 140 Hồng y cử tri, mức thấp kỷ lục. Trong số 21 tân Hồng y, có 10 vị (tất cả đều là cử tri) thuộc các dòng tu và tu hội, đây là một con số kỷ lục. Số lượng các Hồng y cử tri thuộc các dòng tu trong Hồng y đoàn đã tăng từ 27 lên 35. Dòng Anh em Hèn mọn (OFM) cùng với với Dòng Salêdiêng Don Bosco ở mức 5 vị và vượt qua Dòng Tên, hiện có 4 vị. Các dòng Phan Sinh hiện có 10 cử tri (5 tu sĩ Hèn mọn, 3 tu sĩ Viện tu, và 2 tu sĩ Capuchin). Các Dòng Lazarist và Dòng Chúa Cứu Thế mỗi dòng tăng lên 2 cử tri. Mật nghị trong tương lại sẽ như thế nào? Tính đến ngày 8 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 78% số Hồng y có thể bỏ phiều trong mật nghị. Điều này đồng nghĩa với việc các Hồng y được Đức Giáo hoàng Phanxicô tạo lập vượt xa tỷ lệ hai phần ba cần thiết để bầu chọn một Giáo hoàng. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là mật nghị sẽ mang tính “Phanxicô.” Không chỉ các tân Hồng y có lý lịch rất đa dạng, mà họ vẫn chưa có nhiều cơ hội để hiểu biết lẫn nhau. Các Giáo hoàng trước đây cũng thường tổ chức công nghị để tập hợp các Hồng y nhằm thảo luận các vấn đề chung. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức công nghị ba lần: vào năm 2014 để thảo luận về gia đình; năm 2015 với chủ đề cải tổ Giáo triều Rôma; và năm 2022 để bàn về Tông hiến Praedicate Evangelium, văn kiện cải tổ Giáo triều Rôma. Trong lần họp cuối cùng này, các Hồng y được chia thành các nhóm ngôn ngữ, với ít cơ hội để trao đổi trong các phiên họp toàn thể. Tình cảnh này khiến việc bầu chọn trở nên rất khó đoán định. Một điểm đáng lưu ý khác là cho đến thời điểm bầu chọn Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, các Hồng y tham dự mật nghị đã được bố trí ở trong các phòng tạm thời trong Điện Tông Tòa gần Nhà nguyện Sistine. Thánh Gioan Phaolô II đã cho sửa chữa Domus Sanctae Marthae (Nhà Thánh Matta) nhằm bảo đảm các Hồng y có chỗ ở tiện nghi hơn khi bầu chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay Đức Thánh Cha Phanxicô đang cư trú tại Domus Sanctae Marthae. Điều này đồng nghĩa rằng sau khi ngài qua đời, ít nhất tầng nơi Đức Giáo hoàng ở phải được niêm phong, giống như việc niêm phong căn hộ giáo hoàng. Việc niêm phong một tầng tại Domus sẽ dẫn đến mất một số lượng lớn phòng ở. Với số lượng cử tri đông đảo hiện nay, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu chỗ ở cho tất cả các Hồng y. Các Hồng y cử tri có thể được bố trí trong các căn hộ trống trong Thành Vatican. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến họ càng bị cách ly hơn. Trên thực tế, có nguy cơ là trong suốt mật nghị, các Hồng y sẽ không phải lúc nào cũng có thể cùng nhau thảo luận về việc bầu chọn. Vì những lý do này, mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm hơn hai phần ba số Hồng y cử tri, không có gì đảm bảo rằng vị Giáo hoàng được bầu trong mật nghị tương lai sẽ có cùng đường hướng như ngài. ___________________ Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ Nguồn: Catholic News Agency Ngày 9 tháng 12 Năm 2024 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA