Tin Giáo Hội Hoàn vũ Chúng ta phải tìm kiếm hòa bình chứ không phải chiến tranh Constance T. Hull WHĐ (26.4.2022) - Đừng dấn thân vào bạo lực, hận thù và giận dữ. Chúng ta được kêu mời vươn tới những điều cao cả hơn qua Đức Kitô, Đấng chịu khổ nạn và phục sinh từ cõi chết. Chiến tranh ở Ukraina đang làm bộc phát nơi bản tính con người những điều tốt cũng như những sự xấu xa nhất. Đây là điều mà chiến tranh gây ra cho chúng ta. Nó buộc chúng ta phải đi ra khỏi chính mình, nhưng nếu chúng ta không cẩn thận, nó sẽ đưa chúng ta vào những lối đường tăm tối và tội lỗi. Chúng ta phượng thờ một Thiên Chúa của lòng thương xót, khoan dung và luôn trao ban một tình yêu tự hiến. Công lý tối cao thuộc về Ngài. Chúng ta hành động vì công lý ấy, thế nhưng ở trong thế giới sa đọa này, đó chỉ có thể là một công lý chưa vẹn toàn. Chiến tranh dẫn chúng ta tới những nơi mà ở đấy chúng ta bắt đầu chấp nhận sử dụng bất công để chống lại bất công, qua những điều như: việc lạm dụng tra tấn, những chiến dịch đánh bom bừa bãi, vũ khí hạt nhân, và sự cầm tù phi pháp đối với người vô tội. Việc con người - hữu thể được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa - thực hiện những hành vi bất công và phi nhân cho chính đồng loại của mình đang trở thành mối hiểm họa lớn nhất đối với chúng ta tại thời điểm này của lịch sử. Chiến tranh thì luôn luôn phức tạp. Nó bị nhào nắn bởi một sự tuyên truyền rộng rãi trên mọi phương diện. Tất cả chúng ta cũng đang bị truyền bá ngay lúc này. Truyền thông Nga, truyền thông Ukraina, và cả truyền thông Tây phương đều đang tuyên truyền vì một mục đích chính trị cụ thể. Khi chứng kiến sự tuyên truyền này được truyền tai nhau trong cộng đoàn, tôi cầu nguyện và khẩn xin Thiên Chúa cho sự thật luôn được tỏ bày. Sự thật là điều hiếm được công bố trong chiến tranh,, bởi lẽ tất cả các bên đều muốn che đậy tội lỗi và đấu tranh để đạt được mục đích chính trị của mình. Dù cho chính phủ Nga dự định chịu trách nhiệm cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina, thì vẫn có những hành động xấu xa đang diễn ra. Ngoài ra, cũng có rất nhiều người, thuộc mọi phe, muốn thấy Thế chiến III bùng nổ. Chiến tranh mang lại lợi nhuận cho một vài người, nhưng nó sẽ “nghiền nát” những người trẻ. Câu trả lời mà tôi được gửi trao trong lúc cầu nguyện là lời nhắc nhở của Chúa Kitô rằng Người chính là sự thật. Người là Đấng chúng ta tựa nương khi những cơn bão mang tên chiến tranh, dịch bệnh, hoặc nạn đói ập tới. Người là điểm neo của chúng ta và nếu tự ý tách khỏi Người, chúng ta sẽ bị cuốn trôi trong cơn bão xung đột. Chúng ta sẽ bị ném vào những đá tảng của cuộc chiến những quan điểm và những mục đích chính trị. Chúng ta sẽ không thể thấy Chúa Kitô nữa. Khi điều này xảy ra, chúng ta đang thực sự gặp nguy hiểm. Khi điều này xảy ra, thế chiến sẽ bùng nổ. Mối nguy lớn cho người Công giáo lúc này là việc chúng ta quên mất rằng ý thức hệ chính trị phải được thay thế bằng đức tin của chúng ta. Chúng ta không thể bỏ qua những giáo huấn của Giáo hội về tội ác của việc tra tấn, về những nguy hiểm mà Thế chiến thứ III với vũ khí hạt nhân mang lại, hoặc sự thật rằng chúng ta phải trở thành những nhà kiến tạo hòa bình. Cơn giận giữ không thể che mắt chúng ta khỏi những nghĩa vụ của người Kitô hữu. Công lý đích thực là điều hiếm có trong tình trạng hỗn độn này. Chúng ta hành động hướng tới công lý, thế nhưng công lý nguyên tuyền sẽ chỉ có thể được tìm thấy ở sự sống đời sau. Nên đôi khi chúng ta phải bằng lòng hòa giải. Noi theo những gì Đấng Phục sinh đã làm sau cuộc phục sinh của Ngài, chúng ta phải chọn lòng khoan dung chứ không phải mong muốn báo thù. Thực hiện hành vi phi nhân khiến chúng ta bị phi nhân hóa Những điều đang diễn ra trong hiện tại nhắc nhớ tôi về khoảng thời gian sau ngày 11 tháng 9 năm 2001 (ngày diễn ra cuộc khủng bố của nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda nhắm vào Hoa Kỳ). Chúng ta đều giận dữ. Chúng ta muốn công lý, nhưng thực tế, chúng ta muốn trả thù nhiều hơn. Sự trả thù không đến từ Thiên Chúa. Tôi phục vụ như là một nhân viên cứu trợ trong sự kiện ngày 11 tháng 9. Tôi muốn thấy những tên không tặc và những kẻ ủng hộ chúng phải trả giá. Tôi ủng hộ bất cứ điều gì cần thiết. Không ít lần, tôi biện minh cho việc sử dụng cực hình là để cứu những mạng sống. Tôi lờ đi hàng ngàn người dân đang bị giết chết. Tâm hồn tôi trở nên méo mó, lệch lạc và tôi chẳng còn thấy được phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là kẻ thù của tôi. Chúng ta không thể không nhìn nhận đến phẩm giá của những kẻ thù chúng ta, vì họ cũng được tạo tác từ chính hình ảnh của Thiên Chúa. Ủng hộ sự tra tấn là hoàn toàn bỏ quả sự nhận biết này. Một bác sĩ Ukraina đã công khai ủng hộ việc thiến tất cả các binh sĩ Nga bị bắt. Đây hoàn toàn là một tội ác. Hành động theo cách thức này là liên kết chính chúng ta với những kẻ đã hành hạ Chúa Kitô cách tàn bạo trong cuộc khổ nạn của Người. Nó sẽ làm mất đi nhân tính của chúng ta. Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra cho rất nhiều người bạn của tôi, thế nhưng có một người nổi cộm nhất. Anh ta là nhân viên tra khảo trong lực lượng hải quân, anh ấy đã tra tấn rất nhiều tù nhân. Tư tưởng cho rằng chúng ta chỉ sử dụng Army Field Manual (một tập hướng dẫn dành cho quân đội) để lấy khẩu cung là một lời nói dối. Việc sử dụng hình khổ trấn nước bị tố giác khắp nơi đã làm cho thực tế này được công chúng biết đến. Khi anh ta ngày càng nhúng chàm vào những hành vi ấy, anh ấy đánh mất sự nhìn nhận về một con người ở trước mặt anh. Về phần mình, anh ấy đánh mất bản ngã. Quả thật, thực hiện hành vi phi nhân khiến chúng ta bị phi nhân hóa. Anh ta đã tự tử ít lâu sau. Chiến tranh thường phi nhân hóa con người. Nó khiến chúng ta trở thành những kẻ khát máu. Trong chiến tranh, không khó để hình dung ra một đám đông dân chúng la to “Đóng đinh nó vào thập giá”, vì chúng ta cũng thường xuyên hòa mình vào đám đông ấy. Chúa chúng ta không đáp trả theo cách ấy, Người đáp trả bằng một tình yêu khoan dung. Người nhìn những kẻ đóng đinh và kết án tử cho Người như là những đứa con yêu quý của mình. Những đứa con yêu quý ấy không chỉ là người Ukraina mà còn là người Nga nữa. Là một kẻ xâm lược trong chiến tranh không đồng nghĩa với việc hoàn toàn mất đi phẩm giá con người vốn có. Thiên Chúa chưa bao giờ dừng yêu một người nào bởi lẽ họ đã chọn bạo lực. Người luôn hành động vì sự tốt lành của họ. Người khát khao sự sám hối và hoán cải của tâm hồn họ. Đó chính xác là điều Thiên Chúa muốn lúc này đối với nước Nga, cũng như bất cứ kẻ xâm lược nào trên thế giới. Có rất nhiều kẻ như vậy. Bạo chúa không bao giờ thiếu. Chúng ta kiếm tìm hòa bình, không phải chiến tranh Chúa Kitô nói cùng thánh Phêrô rằng “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Bạo lực luôn sinh ra bạo lực, đó là lý do tại sao Giáo hội dạy rằng chiến tranh phải là phương kế cùng tận trong một cuộc xung đột. Chúng ta cũng đang đứng bên bờ vực của vách đá – một “vách đá hạt nhân”. Chúng ta không thể ngạo mạn và mù quáng trong dục vọng trả thù mà quên mất rằng Nga là một cường quốc hạt nhân. Chúng ta phải nghiêm túc loại bỏ bất cứ mối đe dọa nào dính dáng đến vũ khí hạt nhân. Sự thiệt hại về nhân mạng sẽ rất thảm khốc và kinh khủng. Bản toát yếu Học thuyết xã hội công giáo của Giáo hội giải thích về tầm nhìn của Giáo hội trong chiến tranh và lời kêu gọi tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho những xung đột rằng: Huấn quyền lên án “sự man rợ của chiến tranh” và yêu cầu phải xem chiến tranh trong một chiều hướng mới. Trong thực tế, “hầu như không thể tưởng tượng được rằng trong một thời đại nguyên tử, chiến tranh lại được sử dụng như một khí cụ của công lý”. Chiến tranh là một “đại họa” và không bao giờ là một phương cách đích đáng để giải quyết các vấn nạn nảy sinh giữa các quốc gia, “nó đã, đang và sẽ không bao giờ trở thành như thế được”, bởi lẽ nó chỉ tạo ra những xung đột mới và phức tạp hơn mà thôi. Khi nổ ra, chiến tranh sẽ trở thành một “cuộc thảm sát vô ích”, một “hành trình không thể vãn hồi” làm tổn thương hiện tại của nhân loại và đe dọa đến tương lai. “Không gì bị đánh mất trong hòa bình; còn mọi thứ sẽ bị lấy đi bởi chiến tranh”. Chiến tranh làm chúng ta mù quáng. Thứ mù quáng ấy biểu lộ nơi các nhà lãnh đạo của chúng ta, cũng như đám đông trên các phương tiện truyền thông. Lời kêu gọi dành cho những Kitô hữu là hãy trở nên những người kiến tạo hòa bình. Chúng tra được kêu mời yêu thương cả kẻ thù của chúng ta. Chúng ta phải khát mong sự tốt lành và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Kitô yêu thương kẻ thù. Trong chúng ta, liệu có ai cao trọng hơn Người không? Một Kitô hữu được đòi hỏi rất nhiều. Không chỉ là việc đứng cùng phía với những nạn nhân; mà còn phải hướng tới sự biến đổi nơi những kẻ gây chiến. Đó chính là việc tìm kiếm hòa bình giữa các bên tham chiến. Sẽ chẳng có gì mất mát ngang qua một nỗ lực theo đuổi hòa bình. Việc tiếp tục đi theo đường lối hướng đến Thế chiến III có thể khiến hàng triệu sinh mạng bị thiệt mất. Chúng ta cũng cần đề phòng những hiểm họa thiêng liêng như sự cố chấp. Thời điểm như thế này dễ buông lỏng cho những cám dỗ khủng khiếp của sự thù hận và cố chấp. Chúng ta phải cầu nguyện thật nhiều cho chính quyền, các binh sĩ, và người dân của nước Nga. Chúng ta không thể nuôi dưỡng một sự thù hận với họ trong tâm hồn chúng ta và trong tâm hồn người khác. Chúng ta cũng cần khiêm tốn đủ để nhìn nhận rằng chiến tranh nổ ra do bởi những vấn đề của tất cả các bên. Có quá nhiều sự kiêu ngạo và sai lỗi trong tất cả các bên. Sự khiêm tốn giúp ta nhận ra rất nhiều sự dữ. Sự cần thiết của lòng thương xót Đáp án cuối cùng cho chiến tranh đó là việc tìm kiếm hòa bình, khi công lý hiện diện cách cụ thể, và lòng thương xót. Công lý tối cao thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chỉ có khả năng đạt được một công lý hạn hẹp trong thế giới đau khổ này. Chúng ta chiến đấu vì nó, thế nhưng đôi khi, chúng ta khám phá rằng lòng thương xót giải phóng sức mạnh tinh thần lớn rộng trên khắp thế giới. Đó là sự sẵn sàng của chúng ta để tha thứ và tìm kiếm sự hòa giải mang lại bình an và chữa lành. Chúa Giêsu giải thích về lòng thương xót của Người cho thánh nữ Faustina rằng: “Mỗi khi tôi hỏi Chúa Giêsu làm sao Người có thể khoan dung cho muôn vàn lỗi tội và điều xấu xa mà không đánh phạt chúng, Người trả lời tôi rằng, ‘Thời gian dành cho sự trừng phạt là vô tận, thế nên Ta muốn kéo dài thời gian của lòng thương xót vì mưu ích cho các tội nhân. Dầu vậy, khốn cho kẻ nào không nhận ra thời điểm viếng thăm của Ta.’” Hãy là những người kiến tạo hòa bình, đồng thời luôn kiếm tìm cơ hội để rộng mở lòng Chúa thương xót trong những ngày đen tối này. Ước mong sao chúng ta tránh né được những mối hiểm họa của chiến tranh trong tâm hồn, điều dẫn chúng ta đến sự mù quáng, ghen ghét và oán hận. Chúng ta phải tìm kiếm công lý, nhưng ngang qua nhận thức rằng chúng ta đang hành động hướng tới hòa bình, sự tha thứ và lòng thương xót. Và trên hết, chúng ta phải khao khát sự hoán cải của các linh hồn và một kết thúc cho cuộc chiến này. Quang sáng Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (24.3.2022) Nguồn: hdgmvietnam.com Ngày 27 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA