Tin Giáo Hội Hoàn vũ ĐHY Cantalamessa: Chúng ta được mời gọi cử hành và làm cho mình trở thành Thánh Thể Trong bài giảng thứ hai Mùa Chay được trình bày vào sáng thứ Sáu 18/3, tại đại thính đường Phaolô VI, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, Giảng thuyết viên của Phủ Giáo hoàng đã nhấn mạnh rằng: “Rời Thánh lễ, chúng ta cũng phải làm cho cuộc sống chúng ta trở thành món quà tình thương đối với Chúa Cha và anh chị em. Chúng ta không chỉ được mời gọi cử hành Thánh Thể nhưng còn để làm cho mình trở thành Thánh Thể”. Ngọc Yến - Vatican News Tiếp tục chủ đề về Thánh Thể, ở bài giảng thứ hai này Đức Hồng y tập trung vào lời truyền phép “Anh em hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy”. Giảng thuyết viên của Phủ Giáo hoàng nói rằng chúng ta không thể hiểu được trọn vẹn Thánh Thể nếu Thánh Thể không được xem là sự hoàn thành điều mà người Do Thái đã làm và nói trong bữa ăn của họ. Thực tế, Kinh nguyện Thánh Thể bắt nguồn từ nghi thức của đền thờ Do Thái. Đức Hồng y giải thích: “Trên bàn thờ có hai thân mình Chúa Kitô: một thân mình được sinh ra bởi Đức Maria và một thân mình mầu nhiệm đó là Giáo hội. Vì thế có hai sự hiến dâng và hai lễ vật trên bàn thờ, và Kinh nguyện Thánh Thể cầu khẩn Chúa Thánh Thần trên cả hai thân mình này. Như vậy Thánh Thể làm nên Giáo hội, làm cho Giáo hội trở thành Thánh Thể. Kitô hữu không thể giới hạn mình trong việc cử hành Thánh Thể, mà còn phải là Thánh Thể với Chúa Giêsu”. Theo Đức Hồng y, khi hiến dâng thân mình làm của ăn, Chúa Giêsu trao hiến cả cuộc đời Người, từ khi nhập thể đến giây phút cuối cùng, một cách cụ thể: thinh lặng, mồ hôi, vất vả, cầu nguyện, chịu sỉ nhục. Và về máu, Kinh Thánh không giải thích đó là một phần của thân thể nhưng là một sự kiện, đó là cái chết. Nếu máu là biểu hiện của sự sống, thì “đổ máu” là dấu hiệu của cái chết. Thánh Thể là mầu nhiệm Mình và Máu Chúa, nghĩa là sự sống và cái chết của Người. Tới đây, Đức Hồng y mời gọi: “Như Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng hiến cho người khác tất cả những gì tạo nên cuộc sống chúng ta: thời giờ, sức khoẻ, năng lượng, khả năng, tình cảm, có khi chỉ một nụ cười. Với từ ‘máu’, chúng ta cũng diễn tả sự hiến dâng tất cả những gì được báo trước: sỉ nhục, thất bại, bất động, những giới hạn do tuổi tác, sức khoẻ, mọi việc hy sinh hãm mình”. Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y nhấn mạnh: “Rời Thánh lễ, chúng ta cũng phải làm cho cuộc sống chúng ta trở thành món quà tình thương đối với Chúa Cha và anh chị em. Chúng ta không chỉ được được mời gọi cử hành Thánh Thể nhưng còn để làm cho mình trở thành Thánh Thể”. Ngày 23 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA