Tin Giáo Hội Hoàn vũ ĐTC Phanxicô: Trong khủng hoảng cần kiên vững trong đức tin Sau thời gian hè ngưng các buổi tiếp kiến chung trong tháng 7, lúc 10h sáng 5/8, Đức Thánh Cha trở lại với các buổi tiếp kiến chung hằng tuần mỗi thứ Tư. Trở lại với các buổi tiếp kiến trong tháng 8, Đức Thánh Cha không tiếp tục các bài giáo lý như thường lệ, nhưng với tình hình đại dịch hiện tại, Đức Thánh Cha sẽ có một loạt bài suy tư về đại dịch, từ hôm nay và trong những tuần kế tiếp. Văn Yên, SJ - Vatican News Sau đây là bài suy tư của Đức Thánh Cha Anh chị em thân mến, Dịch bệnh đang tiếp tục gây ra những tổn thương ghê gớm, làm bộc lộ sự mong manh của con người. Đã có nhiều người chết, rất nhiều người nhiễm bệnh, ở tất cả các châu lục. Nhiều cá nhân và gia đình đang sống thời khắc vô định gây ra bởi những vấn đề kinh tế-xã hội, đặc biệt là những người nghèo. Bởi thế, chúng ta cần kiên định hướng mắt về Chúa Giêsu (x. Dt 12,2) và với đức tin này, chúng ta ôm ấp niềm hy vọng vào Nước Trời mà chính Đức Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta (x. Mt 1,5; Mt 4,17; GLGHCG 2816). Một Vương quốc của chữa lành và cứu độ đã ở giữa chúng ta (x. Lc 10,11). Một Vương quốc của công lý và hoà bình thể hiện ngang qua việc bác ái, và từ đó làm gia tăng niềm hy vọng và củng cố đức tin (x. 1 Cr 13,13). Trong truyền thống Kitô giáo, đức tin, đức cậy và đức mến có ý nghĩa to lớn chứ không đơn thuần là những cảm thông hay thái độ. Đó là nhân đức mà Chúa Thánh Thần trao tặng cho chúng ta (x. GLGHCG 1812-1813); những quà tặng chữa lành chúng ta, mở ra cho ta những chân trời mới, ngay cả khi chúng ta đang vật lộn với tình huống khó khăn như hiện nay. Một cuộc gặp gỡ mới với Tin Mừng trong đức tin, đức cậy và đức mến mời gọi chúng ta đảm nhận một tinh thần sáng tạo và đổi mới. Trong cách thức này, chúng ta mới có thể chuyển hoá từ gốc rễ những hạn chế thể lý, tinh thần và xã hội. Chúng ta mới có thể chữa lành tận căn những bất công mang tính cơ cấu và những hoạt động mang tính phá huỷ đang chia rẽ chúng ta, đang đe doạ gia đình nhân loại và toàn thể trái đất này. Sứ vụ của Đức Giêsu thực hiện rất nhiều phép lạ chữa lành: chữa lành người bị sốt (x. Mc 1, 29-34), người phong (x. Mc 1,40-45), người bại liệt (x. Mc 2, 1-12), người mù (x. Mc 8, 22-26; Ga 9, 1-7), người câm và điếc (x. Mc 7,31-37). Trong thực tế, chữa lành không chỉ là bệnh thể lý, mà là toàn bộ con người. Theo đó, người được chữa lành trở lại với cộng đoàn, được giải thoát khỏi tình trạng cô lập vì đã được chữa lành. Chúng ta hãy chiêm ngắm trình thuật chữa lành người bại liệt ở Ca-pha-na-um (x. Mc 2,1-12), một trình thuật tuyệt đẹp mà chúng ta vừa nghe. Trong khi Đức Giêsu rao giảng ở trong nhà, bốn người khiêng người bạn bại liệt đến với Đức Giêsu; và vì không thể đi vào nhà do đám đông chật kín, họ là dỡ mái nhà và thả người bại liệt xuống trước mặt Đức Giêsu. “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: ‘Này con, con đã được tha tội rồi.’” (c. 5). Và Ngài nói thêm, như dấu chỉ khả giác, “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (c. 11). Phép lạ chữa lành thật tuyệt vời! Hành động của Đức Giêsu là phản ứng trực tiếp với đức tin của những người ấy, với đức cậy mà họ đặt nơi Ngài, với đức ái mà họ thể hiện với tha nhân. Đức Giêsu đã chữa lành, không chỉ là người bại liệt, mà tất cả, Ngài tha hết tội lỗi, làm mới lại cuộc sống của người bại liệt và của các bạn anh. Chúng ta có thể nói Đức Giêsu tái sinh tất cả. Một sự chữa lành cả thể lý và tinh thần, tất cả với nhau, là hoa trái của cuộc gặp gỡ cá vị và cộng đoàn. Chúng ta thử nghĩ đến tình bạn như thế, và đức tin của tất cả những ai hiện diện trong nhà, tất cả được củng cố nhờ phép lạ của Đức Giêsu. Cuộc gặp gỡ chữa lành với Đức Giêsu! Chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể góp phần chữa lành thế giới hôm nay không? Như các môn đệ của Thầy Giêsu, là thầy thuốc linh hồn và thể xác, chúng ta được mời gọi tiếp tục “hành động chữa lành và cứu độ của Ngài” (GLGHCG 1421) theo nghĩa thể lý, cộng đoàn và tinh thần. Giáo Hội, mặc dù thi hành ân sủng chữa lành của Chúa Kitô ngang qua các Bí tích, và dù cung cấp những hỗ trợ y tế đến mọi ngóc ngách của thế giới, vẫn không phải là chuyên gia trong việc phòng và chống đại dịch. Giáo Hội cũng không thể đưa ra những hướng dẫn đặc thù mang tính xã hội-chính trị (x. Th. Phaolo VI, tông thư Octogesima adveniens, 14 tháng Năm 1971, 4). Đây là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội. Tuy vậy, xuyên suốt nhiều thế kỷ, và dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội đã đưa ra một vài nguyên tắc xã hội căn bản (x. Tóm lược Học thuyến xã hội của Giáo Hội, 160-208), những nguyên tắc có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn và để chuẩn bị cho tương lai. Tôi xin trích dẫn những nguyên tắc chính, có liên hệ mật thiết với nhau: nguyên tắc về nhân phẩm con người, nguyên tắc về công ích, nguyên tắc về lựa chọn ưu tiên người nghèo, nguyên tắc về phân phối tài sản phổ quát, nguyên tắc liên đới, hỗ tương, nguyên tắc về chăm sóc ngôi nhà chung. Những nguyên tắc này giúp các nhà lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm về xã hội, làm thăng tiến, như trong tình trạng dịch bệnh hiện nay, và chữa lành cả cấp độ cá nhân và cộng đồng. Các nguyên tắc này diễn tả, bằng nhiều cách khác nhau, đức tin, đức cậy và đức mến. Trong những tuần tiếp theo, tôi mời gọi anh chị em suy tư về những vấn nạn nổi cộm mà dịch bệnh đang đặt ra, nhất là những căn bệnh ở cấp độ xã hội. Và chúng ta suy tư dưới ánh sáng Tin Mừng, các nhân đức đối thần và các nguyên tắc về xã hội của Giáo Hội. Chúng ta cùng nhau khám phá truyền thống xã hội công giáo của chúng ta có thể giúp gia đình nhân loại thế nào trong việc chữa lành thế giới đang đau khổ vì dịch bệnh. Tôi ao ước suy tư và làm việc cùng với anh chị em, như những môn đệ của Đức Giêsu, Đấng chữa lành, hầu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tràn đầy hy vọng vào các thế hệ tương lai (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 24 tháng Mười Một 2013, 183). --- Sau bài suy tư, trong lời chào các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc đến vụ nổ vừa xảy ra tại Beirut, thủ đô Lebanon. Ngài nói: “Hôm qua, ở Beirut, tại khu vực cảng, những vụ nổ khủng khiếp đã làm thiệt mạng và bị thương nhiều người và nhiều tổn thất nặng nề khác. Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho đất nước Li-băng, để với nỗ lực của các cấp xã hội, chính trị và tôn giáo của mình, họ có thể vượt qua thời khắc đau buồn và bi thương này, và với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, họ có thể vượt qua những khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra.” Nguồn: Vatican News Tiếng Việt Ngày 13 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA