Tin Giáo Hội Hoàn vũ Đức Thánh Cha: Phương pháp giáo dục của Thiên Chúa là sự gần gũi Gặp gỡ một số hiệp hội thuộc lĩnh vực giáo dục vào sáng ngày 4/1/2024, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng “phương pháp giáo dục” của Thiên Chúa là sự gần gũi. "Như người thầy bước vào thế giới học trò, Thiên Chúa chọn sống giữa loài người để giảng dạy bằng ngôn ngữ sự sống và tình yêu". Hồng Thủy - Vatican News Tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha có Hiệp hội Giáo viên Công giáo Ý và Hiệp hội Giáo viên, Nhà quản lý, Nhà giáo dục, Huấn luyện viên Công giáo Ý, mừng 80 năm thành lập; và Hiệp hội Phụ huynh Trường Công giáo, mừng 50 năm thành lập. Khoa sư phạm của Thiên Chúa Ngỏ lời với họ, Đức Thánh Cha nói rằng "Chúa Giêsu sinh ra trong một điều kiện nghèo khó và đơn sơ: điều này mời gọi chúng ta đến với một nền sư phạm coi trọng những điều cốt yếu và đặt lòng khiêm tốn, lòng quảng đại và lòng hiếu khách làm trung tâm". Ngài nói thêm: "Khoa sư phạm của Thiên Chúa là một khoa sư phạm về hồng ân, một lời kêu gọi sống hiệp thông với Người và với người khác, như một phần của dự án tình huynh đệ phổ quát, một dự án trong đó gia đình có một vị trí trung tâm và không thể thay thế được. Hơn nữa, phương pháp sư phạm này là một lời mời gọi nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, bắt đầu từ những người bị loại bỏ và bị gạt ra bên lề, như những mục đồng đã bị đối xử cách đây hai ngàn năm, và đánh giá cao giá trị của mọi giai đoạn của cuộc sống, kể cả thời thơ ấu". Một giáo viên tốt là một người hy vọng Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói rằng Năm Thánh có rất nhiều điều để nói với thế giới giáo dục và trường học. Ngài giải thích: “Những người hành hương hy vọng là tất cả những người tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của họ và cũng là những người giúp đỡ những người bé nhỏ bước đi trên con đường này. Một giáo viên tốt là một người hy vọng, bởi vì họ cống hiến hết mình với sự tin tưởng và kiên nhẫn cho dự án phát triển con người. Niềm hy vọng của họ không hề ngây thơ, nhưng bắt nguồn từ thực tế, được hỗ trợ bởi niềm tin rằng mọi nỗ lực giáo dục đều có giá trị và mỗi người đều có phẩm giá và ơn gọi đáng được vun trồng". Ngài nói thêm: "Hy vọng là động cơ hỗ trợ nhà giáo dục trong sự dấn thân hàng ngày của họ, ngay cả khi đối mặt với những khó khăn và thất bại". Và để không đánh mất niềm hy vọng và nuôi dưỡng nó mỗi ngày, Đức Thánh Cha mời gọi họ hãy luôn chăm chú nhìn Chúa Giêsu, thầy và bạn đồng hành. Qua các nhà giáo dục, mọi người có thể gặp được niềm hy vọng Kitô giáo Đức Thánh Cha cũng mời gọi các nhà giáo dục nghĩ về những người họ gặp ở trường, trẻ em và người lớn. Trong trái tim mỗi người đều có niềm hy vọng và những niềm hy vọng nhân bản này, qua các nhà giáo dục, có thể gặp được niềm hy vọng Kitô giáo, niềm hy vọng phát sinh từ đức tin và sống trong bác ái. Một niềm hy vọng vượt quá mọi ước muốn của con người, bởi vì nó cởi mở tâm trí và trái tim cho sự sống và vẻ đẹp vĩnh cửu. Nuôi dưỡng hòa bình, không bao giờ bắt nạt Đức Thánh Cha khen ngợi mọi nỗ lực giáo dục tại các trường học nhằm thúc đẩy hòa bình, lưu ý rằng "tưởng tượng về hòa bình" đặt nền tảng cho "một thế giới công bằng và huynh đệ hơn" thông qua "mọi môn học được giảng dạy và thông qua sự sáng tạo của trẻ em và thanh thiếu niên". Ngài cảnh báo: "Nhưng nếu ở trường, các em đang gây chiến với nhau hoặc tham gia vào hành vi bắt nạt, thì các em đang chuẩn bị cho chiến tranh, chứ không phải cho hòa bình". Hiệp ước giữa các hiệp hội Giữa nhiều thách thức khác nhau, Đức Thánh Cha kêu gọi thành lập một loại "hiệp ước giữa các hiệp hội" để "đại diện tốt hơn cho bộ mặt của Giáo hội tại các trường học và vì các trường học". Yêu cầu họ tập trung vào "hiện tại" của các trường học, "cũng là tương lai của xã hội", Đức Thánh Cha kêu gọi những người tham dự hãy nghĩ đến cả những giáo viên trẻ "đang bước những bước đầu tiên" và "những gia đình thường cảm thấy đơn độc trong trách nhiệm giáo dục của mình", và hãy hỗ trợ họ một cách chân thành. Ngày 7 tháng 1 Năm 2025 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA