Tin Giáo Hội Hoàn vũ Mở Cửa Thánh của Vương Cung Thánh Đường: Thánh Phao-lô ngoại thành: niềm vui và hy vọng cho Năm Thánh Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, ngày 5/1/2025, Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành ở Rôma. Đây là Cửa Thánh cuối cùng sẽ được mở cho Năm Thánh 2025 về Niềm Hy vọng. Trong bài giảng, ĐHY James Harvey tập trung vào niềm vui của mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, Đấng “đưa chúng ta vào viễn cảnh “niềm hy vọng hạnh phúc”, vào lời hứa về một cuộc sống vô tận”. Đức Hồng Y James Harvey, giám quản của Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, đã chủ trì việc mở Cửa Thánh này. Dựa vào những lời của Thánh vịnh 121/122, 2 – “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!” Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân!” -, Đức Hồng y cho rằng việc vượt qua Cửa Thánh tóm lại là vượt qua “ngưỡng cửa của đền thánh”, là vượt qua “cửa hy vọng” một cách vui tươi. Theo ngài, niềm vui và hy vọng là “cặp đôi hình thành nên nghi thức phụng vụ này”. Niềm vui Giáng Sinh Đức Hồng y James Harvey trước tiên nhắc lại niềm vui Giáng Sinh, “khi thế giới Kitô giáo chiêm ngưỡng kế hoạch phi thường của Thiên Chúa”, biến mỗi người nam và người nữ thành “những người con nghĩa tử” của Thiên Chúa. “Con Một Thiên Chúa đã nhập thể, không chỉ để ở giữa chúng ta, mà còn là một người trong chúng ta; không chỉ để được ngưỡng mộ hay chào đón như một người bạn đồng hành, mà còn thông truyền cho chúng ta đời sống con thảo của chính Người, để đưa chúng ta vào mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa.” Nhu cầu về niềm hy vọng ĐHY cho rằng “hồng ân ơn cứu độ” cũng mang lại niềm vui to lớn, bởi vì qua cái chết của Người trên thập giá, Chúa Kitô “đưa chúng ta vào viễn cảnh của “niềm hy vọng hạnh phúc”, vào lời hứa về một cuộc sống bất tận”. Việc mở Cửa Thánh này mở ra một thời gian tha thứ và thương xót cho mỗi người, với Thiên Chúa và với người lân cận. Một thời điểm cho phép mở ra con đường hy vọng cho tất cả mọi người trong khi “bây giờ chúng ta cần hy vọng hơn bao giờ hết!”. Niềm hy vọng và các Đức Giáo hoàng Trích dẫn Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, trong thông điệp Spe Salvi, vị Hồng y người Mỹ đã nhấn mạnh đến viễn cảnh mà niềm hy vọng Kitô giáo mang lại, biến đổi mối liên kết giữa hiện tại và tương lai. Đức Bênêđíctô XVI đã viết vào năm 2007: “Hiện tại, ngay cả một hiện tại đau đớn, có thể được sống và chấp nhận nếu nó dẫn đến một kết thúc và nếu chúng ta có thể chắc chắn về kết thúc này, nếu sự kết thúc này lớn lao đến mức nó có thể biện minh cho những nỗ lực của hành trình”. Vào tháng 12 năm 2024, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về niềm hy vọng trong một bài giáo lý. Niềm hy vọng “không phải là một từ sáo rỗng, cũng không phải là một mong muốn mơ hồ rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp nhất: niềm hy vọng là một điều chắc chắn, bởi vì nó dựa trên sự trung thành của Thiên Chúa với những lời hứa của Ngài”. Niềm hy vọng nâng đỡ cuộc hành hương Trong Năm Thánh này, Đức Hồng y James Harvey nhắc lại rằng trở thành người hành hương, đó là “cảm thấy mình là một phần của một cộng đồng đang rảo qua các đường phố của thế giới này từ hai ngàn năm qua để loan báo sự phục sinh của Chúa Giêsu”. Kể từ năm 1300, Giáo hội đã chào đón những người hành hương đến Rôma nhân dịp các Năm Thánh và mời gọi “mỗi người hành hương hãy thực hiện một cuộc hành trình tâm linh theo dấu chân của đức tin”. Trong cuộc hành hương đến Vương cung thánh đường, hai từ nằm dưới cây thánh giá, được dựng trên đỉnh mặt tiền của Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, sẽ định hướng các tín hữu: “Spes unica” (“Niềm hy vọng duy nhất”). ĐHY kết luận: “Điều này có nghĩa là thập giá của Chúa Kitô, biểu tượng vinh quang của sự chiến thắng tội lỗi và cái chết, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta”. Đi hành hương đến một trong những vương cung thánh đường lớn, hoặc một trong những địa điểm được đề cập trong Sắc chỉ của Năm Thánh, là một trong những điều kiện để nhận được ơn toàn xá. Tý Linh (theo Jean-Benoît Harel – Vatican News) Ngày 6 tháng 1 Năm 2025 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA