Tin Giáo Hội Hoàn vũ Qua “tính trần tục”, Đức Phanxicô muốn nói điều gì ? Lm. Xavier Lefebvre Đức Phanxicô nhìn thấy nơi tính trần tục một sự bại hoại của đời sống thiêng liêng. Ngài nhìn thấy ở đó việc chiều theo tính tự mãn quy ngã (autosuffisance)… nhiều hơn là một sự gắn bó với thế gian. Tính trần tục: đó là một thuật ngữ đã được chú ý kể từ đầu triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ! Các Hồng y hay linh mục, những người trẻ hay già, ở bậc sống giáo sĩ hay giáo dân, tất cả mọi người đều trải qua. Trong tiếng Pháp, thuật ngữ chỉ sự giao du với những người quyền lực hoặc giàu có và sự sùng bái vẻ bề ngoài. Tiếng Ý đã giữ lại ý nghĩa nguyên thủy hơn: sự gắn bó với của cải của thế gian này. Đức Phanxicô còn đi xa hơn nữa. Sau khi đọc các bản văn của ngài, bạn có thể trả lời cho một bảng câu hỏi thấu đáo để biết liệu bạn là người trần tục theo ngài không, và bạn đang ở đâu: hơi quá “thế gian”, hay không đủ “ở trong thế gian” ? Đối với ngài, tính trần tục biểu lộ một mối nguy hiểm thực sự, “điều tồi tệ nhất trong những gì có thể xảy đến với Giáo hội của Thiên Chúa”. Và ngài đề cập đến cuốn sách của Henri de Lubac, “Méditation sur l’Eglise” (1953), trong đó định nghĩa tính trần tục là một “thái độ lấy con người làm trung tâm triệt để”, được che giấu dưới những thái độ tôn giáo hoàn hảo… Điều mà André Mauriac đã mô tả rất hay trong cuốn tiểu thuyết “La Pharisienne” (1941) của mình. Người phụ nữ Pharisêu này, cảm thấy mình được Thiên Chúa chọn, được Giám mục của mình chú ý vì lối sống khổ hạnh khắt khe của mình, đã biết áp bức những người xung quanh mình bằng sự khắt khe của một sự hoàn thiện luân lý xa rời với sự thánh thiện. Sự lẫn lộn giữa chủ nghĩa hoàn hảo và sự thánh thiện Đây là nguồn gốc của tính trần tục thiêng liêng bị tố cáo: sự lẫn lộn giữa chủ nghĩa hoàn hảo và sự thánh thiện, được ngăn cách bởi bề dày của sự đắn đo chu đáo. Điều khác biệt giữa chúng: việc kiêu ngạo tìm kiếm chính mình (“Gương soi ơi, gương soi đẹp đẽ của tôi ơi, hãy cho tôi biết ai là người xinh đẹp nhất”) hay chỉ vinh quang của Thiên Chúa trong sự khiêm tốn (“Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả, Danh Người là Thánh !”). Nữ hoàng Grimhilde hay Nữ Vương Thiên Đàng…tình yêu đối với cái “tôi” của mình cho đến độ coi thường Thiên Chúa, hay tình yêu đối với Thiên Chúa đến độ coi thường cái “tôi” của mình. Bản văn tham khảo về tính trần tục vẫn là Tông huấn Evangelii Gaudium (số 93-97), trong đó khái niệm này được định nghĩa rõ ràng: “Tính trần tục thiêng liêng, ẩn giấu đằng sau vẻ bề ngoài sùng đạo và thậm chí cả tình yêu đối với Giáo hội, hệ tại việc tìm kiếm vinh quang của con người và phúc lợi cá nhân, thay vì vinh quang của Chúa” (số 93). Nó giống như thể một Hồng y (cuối cùng đã xảy đến !) tìm kiếm một loại vải màu đỏ lóng lánh tốt nhất cho tu phục của mình mà không còn ưu tư đến ý nghĩa của màu sắc này nữa: chứng tá cho Chúa Kitô cho đến đổ máu. Tính trần tục đang được nói đến có thể được tóm tắt như sau: có một hành vi tôn giáo hoàn hảo…trong khi đức tin đã chết. Thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô Trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha cho thấy hai khía cạnh của sự bại hoại thiêng liêng này, mà ngài sẽ tiếp tục nhắc đến trong hai bản văn khác: Tông huấn Gaudete et exultate (lời mời gọi nên thánh phổ quát, 2018) và Tông Thư Desiderio desideravi (2022). Nói cách khác, người tu sĩ trần tục mang lại vẻ bề ngoài của sự thánh thiện này theo hai cách: thứ nhất, thuyết ngộ đạo hệ tại “tin rằng bởi vì chúng ta biết điều gì đó hay chúng ta có thể giải thích nó theo một lôgíc nào đó, nên chúng ta đã là thánh thiện, hoàn hảo, tốt hơn “đám đông vô tri”…Thậm chí, tự bản chất, thuyết ngộ đạo muốn chế ngự mầu nhiệm”, cả mầu nhiệm về Thiên Chúa và ân sủng của Ngài cũng như mầu nhiệm về cuộc sống của người khác (Gaudete et exultate, số 40). Một cách nào đó, đó là “Thiên Chúa ở trong giới hạn của lý trí đơn thuần”. Ở đây, kẻ trần tục vui thích những gì mà chỉ lý trí của họ có thể biết được về Thiên Chúa cách rõ ràng, mà không tính đến sự xác tín của đức tin…Sự bại hoại thứ hai, thuyết Pêlagiô: chủ thuyết này hệ tại vui thích với những nỗ lực duy nhất của ý chí của mình trong việc đạt tới sự hoàn thiện, từ chối mọi sự cần thiết của ân sủng… ”một ý chí không có sự khiêm tốn” (Gaudete et exultate, số 47), hay sự công chính hóa bởi sức riêng của mình (số 57). Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất Ở đây, cái “tôi” tỏa sáng trong phòng khách, trên mạng xã hội, hơn cả Chúa mà nó muốn là người phát ngôn nhưng lại trở thành màn hình về Ngài ; ở đó, cái “tôi” được ngắm bóng trong sự tốt lành của nó, mà hoàn toàn thiếu đi đức ái. Tính trần tục tấn công hai năng lực tinh thần của chúng ta: trí tuệ và ý chí, qua đó chúng ta trở thành người mang ánh sáng của chính mình (theo nghĩa từ nguyên: Lucifer), gán cho bản thân vinh quang chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta có thể hiểu các vấn đề và cám dỗ trong lãnh vực phụng vụ (Desiderio desideravi, số 17-20). Làm thế nào thoát khỏi đó ? Không có sự thánh thiện Kitô giáo mà không có đức tin và lòng khiêm tốn. Đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong sự khiêm tốn của đức tin cho sự thánh thiện của trí tuệ ; khiêm tốn đón nhận ân sủng cho sự thánh thiện của ý chí. Tắt một lời, Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Có nhiều nhân đức tự nhiên nâng cao con người trong việc tìm kiếm chân lý và sự thiện hảo của nó: thận trọng, công bằng, dũng lực, tiết độ, trí tuệ, khoa học, khôn ngoan đều cần thiết nhưng không đủ. Chỉ duy ân ban của Thiên Chúa, nâng chúng ta lên sự thánh thiện, cho phép chúng ta sống như con cái Thiên Chúa, được tự do và cứu độ…nhất là được cứu thoát khỏi chính chúng ta ! Tý Linh Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (04.12.2022) Nguồn: xuanbichvietnam.net (05.12.2022) Ngày 8 tháng 12 Năm 2022 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA