Tin Giáo Hội Hoàn vũ Tiếp kiến chung 07-12-2022 – Giáo lý phân định – Dấu chỉ xác chuẩn cho một chọn lựa tốt GIÁO LÝ PHÂN ĐỊNH: DẤU CHỈ XÁC CHUẨN CHO MỘT CHỌN LỰA TỐT Văn Yên SJ - Vatican News Vatican News (07.12.2022) – Sáng thứ Tư, 7/12, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung hằng tuần như thường lệ, tiếp tục loạt bài giáo lý về phân định. Trời Roma bắt đầu khá lạnh nên các buổi tiếp kiến chung từ tuần này sẽ diễn ra tại Hội trường Phaolô VI. Đề tài hôm nay được Đức Thánh Cha khai triển là “Sự xác chuẩn của những chọn lựa tốt lành.” Bài đọc Sách Thánh đầu buổi tiếp kiến được trích từ sách Huấn Ca Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ. Ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp, ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành […] Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào. […] Ai kiên trì chịu đựng một thời gian, thì cuối cùng niềm vui sẽ bừng lên cho người ấy. (Hc 1,12-13.18.23) Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Trong tiến trình phân định, điều quan trọng là cần phải chú ý đến giai đoạn ngay sau quyết định được đưa ra. Nghĩa là, khi cần đưa ra quyết định, tôi phải làm cuộc phân định, xem xét những thuận nghịch, những cảm nhận và cầu nguyện… Rồi sau khi hoàn tất tiến trình này và đã đưa ra quyết định, thì bước tiếp theo mà hôm nay chúng ta cần phải chú ý là xem các dấu chỉ xác nhận hoặc những dấu chỉ phủ nhận quyết định đó. Bởi vì trong cuộc sống, có rất nhiều quyết định không tốt, và có những dấu chỉ phủ nhận quyết định đó thay vì xác nhận là nó tốt. Bình an lâu dài Thật vậy, chúng ta thấy yếu tố thời gian là một tiêu chí cơ bản để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa nhiều tiếng nói khác. Chỉ một mình Người là Chúa của thời gian: đó là dấu hiệu bảo đảm cho điều xuất phát từ Người, là điều phân biệt Người với những kẻ bắt chước nhân danh Người nhưng không thể. Một trong những dấu chỉ của thần lành là: thần lành mang lại một sự bình an lâu dài: khi bạn đưa ra một quyết định, qua một tiến trình rồi quyết định, và nếu điều này cho bạn bình an và bình an này lâu dài thì đó là một dấu chỉ tốt cho thấy con đường này tốt đẹp. Một sự bình an mang lại hài hòa, hiệp nhất, nhiệt thành, sốt sắng. Như thế, bạn bước ra khỏi tiến trình tốt hơn lúc bạn bước vào. Ví dụ, nếu tôi quyết định dành thêm nửa giờ để cầu nguyện, và sau đó tôi nhận thấy rằng tôi sống tốt hơn vào những thời gian khác trong ngày, tôi thanh thản hơn, bớt lo lắng hơn, tôi thực hiện công việc của mình một cách tận tâm và thích thú hơn , ngay cả mối quan hệ của tôi với một số người khó tính cũng trở nên dễ dàng hơn…: đây là những dấu chỉ quan trọng cho thấy quyết định được đưa ra là đúng đắn. Đời sống thiêng liêng là một vòng tuần hoàn: sự tốt lành của một chọn lựa mang lại lợi ích cho mọi lĩnh vực khác trong đời sống chúng ta. Bởi vì đó là sự tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Áp dụng thực tế Chúng ta có thể nhận ra một số khía cạnh quan trọng giúp đọc thời gian “hậu quyết định”, có thể xem đó như là một sự xác nhận cho quyết định đã được đưa ra. Thời gian sẽ là yếu tố xác nhận xem quyết định của tôi có thực sự tốt lành hay không. Chúng ta đã gặp thấy những khía cạnh này một cách nào đó trong loạt bài giáo lý của chúng ta nhưng bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy những ứng dụng xa hơn của chúng. Từ lòng biết ơn Khía cạnh đầu tiên là liệu quyết định đó có được coi là một dấu chỉ khả thể của việc đáp lại tình yêu và lòng quảng đại mà Chúa dành cho tôi hay không. Nó không sinh ra từ sự sợ hãi, từ mối đe doạ cảm xúc hay từ sự ràng buộc, mà sinh ra từ lòng biết ơn đối với điều tốt lành đã nhận được, điều thúc đẩy trái tim sống mối tương quan với Chúa một cách quảng đại. Một yếu tố quan trọng khác là ý thức về sự cảm nhận vị trí của mình trong cuộc sống, một sự thanh thản khi thấy mình đứng đúng vị trí của mình, và cảm nhận mình là thành phần của kế hoạch lớn hơn mà chính mình muốn góp phần. Ở Quảng trường Thánh Phêrô có hai điểm chính xác – là hai tiêu điểm của hình elip – từ đó có thể nhìn thấy các cột của Bernini thẳng hàng một cách hoàn hảo. Tương tự như vậy, con người có thể tìm thấy được điều mình đang tìm kiếm khi ngày sống của mình trở nên có trật tự hơn, cảm thấy ngày càng có sự hội nhất giữa nhiều sở thích, thiết lập một thứ tự ưu tiên đúng đắn về những điều quan trọng và có khả năng sống tất cả những điều này một cách nhẹ nhàng, trong khi đối diện với những khó khăn gặp phải bằng một năng lượng và sức mạnh được đổi mới của linh hồn. Những điều này là dấu hiệu cho thấy chọn lựa bạn đưa ra là tốt lành. Giữ được sự tự do Một dấu hiệu tốt khác để xác nhận là việc giữ được sự tự do đối với những gì đã quyết định, sẵn sàng đặt lại vấn đề về nó, thậm chí từ bỏ nó khi gặp những khả thể mâu thuẫn, cố gắng tìm thấy nơi chúng một sự chỉ dạy có thể có từ Chúa. Điều này không phải vì Người muốn tước đoạt những gì thân yêu của chúng ta, nhưng là để chúng ta sống một cách tự do, không bị dính bén. Chỉ có Chúa mới biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta. Tính chiếm hữu là kẻ thù của điều thiện và giết chết tình cảm: nhiều trường hợp bạo lực trong gia đình, mà thật không may là chúng ta thường xuyên có tin tức như vậy, hầu như luôn luôn xuất phát từ việc đòi chiếm hữu tình cảm của người khác, từ việc tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối vốn giết chết tự do và bóp nghẹt sự sống, biến nó thành địa ngục. Chúng ta chỉ có thể yêu trong tự do, vì lý do này Chúa đã tạo dựng chúng ta tự do, tự do ngay cả với việc nói không với Người. Dâng hiến cho Người những gì chúng ta quý mến nhất là vì lợi ích tốt nhất của chúng ta. Điều này cho phép chúng ta sống cách tốt nhất có thể, như một món quà mà Người đã ban cho chúng ta, như một dấu chỉ sự tốt lành nhưng không của Người, vì biết rằng cuộc sống của chúng ta, xét như một tổng thể, đều nằm trong bàn tay nhân từ của Người. Đó là điều mà Kinh Thánh gọi là kính sợ Thiên Chúa, nghĩa là tôn kính Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm chúng ta sợ hãi, nhưng tôn kính là một điều kiện không thể thiếu để đón nhận sự Khôn Ngoan (xem Hc 1,1-18). Chính sự kính sợ Thiên Chúa xua tan mọi nỗi sợ hãi khác, vì nó hướng về Đấng là Chúa của mọi sự. Trước mặt Người không gì có thể làm phiền được chúng ta. Đó là kinh nghiệm kinh ngạc của Thánh Phaolô: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4,12-13). Đây là một người tự do, khi mọi sự diễn ra tốt đẹp cũng tạ ơn Chúa, khi mọi sự diễn ra không mấy tốt đẹp, cũng tạ ơn Chúa, và tiếp tục bước đi. Nhận ra điều này là điều cần thiết để có một quyết định đúng đắn và đảm bảo cho chúng ta về những gì chúng ta không thể kiểm soát hoặc dự đoán: sức khỏe, tương lai, những người thân yêu, kế hoạch của chúng ta. Điều quan trọng là niềm tín thác của chúng ta đặt nơi Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta vô bờ và biết rằng với Người, chúng ta có thể xây dựng một điều gì đó đáng kinh ngạc và vĩnh cửu. Cuộc đời của các thánh cho chúng ta thấy điều này một cách đẹp đẽ nhất. Chúng ta luôn tiếp tục tiến bước khi cố gắng làm những chọn lựa như vậy, trong cầu nguyện và cảm nhận những gì xảy ra trong trái tim chúng ta và từ từ tiến bước. Hãy can đảm. --- Sau khi Đức Thánh Cha chào các nhóm ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập và Ý, buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành ĐTC ban cho mọi người. Nguồn: vaticannews.va/vi Ngày 8 tháng 12 Năm 2022 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA