Gia Đình Đau Khổ Trong Gia Đình: Bước Đệm Để Nên Thánh Một trong những bi kịch lớn nhất của cuộc đời là khi con người chịu đau khổ mà không biết tận dụng nó. Chúng ta thường không nhận ra rằng đau khổ chính là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho các bậc cha mẹ - bởi nhờ đó, họ có thể thanh luyện linh hồn mình, linh hồn con cái, và thậm chí rút ngắn thời gian trong luyện ngục. Chính vì thế, Thánh Faustina đã nói: “Đau khổ là kho báu lớn nhất trên trần gian; nó thanh luyện linh hồn. Trong đau khổ, chúng ta nhận ra ai là người bạn đích thực của mình.” (Trích trong O’Hearn, 2021, tr. 221). Chúng ta bước vào phần thứ tư trong chuỗi bài học về cha mẹ của các vị thánh và cách họ giáo dục con cái để trở thành những người con của Chúa: Đón nhận đau khổ. Ai Cũng Phải Chịu Đau Khổ Khi còn học đại học, tôi từng có thời gian tìm hiểu đời sống tu trì Dòng Phanxicô Canh Tân (Franciscan Friars of the Renewal). Khi ở đó, tôi tình cờ nghe một bài hát rất sâu sắc của linh mục Stan Fortuna, mang tựa đề “Everybody Got 2 Suffer” (Ai cũng phải chịu đau khổ). Bài hát mở đầu bằng những câu hỏi mạnh mẽ: “Bạn nghĩ rằng chỉ có mình bạn phải chịu đau khổ sao? Bạn nghĩ rằng chỉ có bạn mới phải chịu nỗi đau sao? Ai cũng có những nỗi khổ của riêng mình. Giàu hay nghèo, ai cũng phải chịu đau khổ.” Nếu bạn nghiên cứu kỹ cuộc đời các vị thánh, bạn sẽ nhận thấy một điểm chung: Họ đều trải qua đau khổ. Và điều đặc biệt là sự đau khổ này thường bắt đầu từ thời thơ ấu của họ. Chẳng hạn, Margaret Bosco, mẹ của Thánh Gioan Bosco, đã phải chịu mất mát lớn khi chồng bà qua đời lúc bà chỉ mới 29 tuổi. Bà phải một mình nuôi ba đứa con trong cảnh nghèo khổ. Vào thời điểm đó, bà đã nói với cậu con trai mới hai tuổi của mình: “Con không còn cha nữa.” Có lẽ chính sự mất mát này đã trở thành động lực thôi thúc Thánh Gioan Bosco dâng hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những trẻ mồ côi - những đứa trẻ cũng không có cha giống như ngài. Đúng vậy, Thiên Chúa muốn biến những đau khổ của chúng ta thành cơ hội để giúp đỡ những người đang chịu thử thách tương tự. Ở tuổi 58 - độ tuổi mà nhiều người đã nghỉ hưu - Margaret Bosco lại phải đối diện với một quyết định quan trọng, mang đến cả đau khổ lẫn niềm vui lớn lao. Con trai bà, lúc này đã là một linh mục, mời mẹ đến sống cùng để giúp chăm sóc 30 cậu bé mồ côi, làm quản gia và nấu ăn cho các em. Bà đã đồng ý. Không chỉ vậy, bà còn hy sinh nhiều thứ quý giá để hỗ trợ con trai trong sứ vụ. Bà lấy chiếc váy cưới của mình để may lễ phục cho các linh mục, bán nhẫn cưới và đồ trang sức để giúp trả tiền thuê nhà, vì lúc đó Thánh Gioan Bosco hoàn toàn sống nhờ vào sự quyên góp của người khác. Ban đầu, bà cảm thấy đau lòng khi phải rời xa những kỷ vật gắn bó với mình, nhưng rồi bà nhận ra rằng niềm vui khi được giúp đỡ con trai mình và thực hiện ý Chúa còn lớn lao hơn tất cả. Gia Đình Của Các Thánh: Sống Trong Thử Thách Không chỉ riêng mẹ của Thánh Gioan Bosco, mà cha mẹ của Thánh Phaolô Thánh Giá và Thánh Josemaría Escrivá cũng trải qua rất nhiều đau khổ. Cha của Thánh Phaolô Thánh Giá từng bị bỏ tù nhiều lần - một lần vì cáo buộc gian lận, lần khác vì nghi ngờ buôn lậu. Gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng, danh dự bị hoen ố. Tuy nhiên, mẹ của ngài, bà Anna Maria, vẫn trung thành với hôn nhân và đức tin Công giáo. Bà luôn dạy con mình hướng mắt về Thánh Giá. Khi chải tóc cho con trai - một việc mà cậu bé Phaolô rất ghét - bà thường nói: “Nhìn xem, con yêu, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ biết bao nhiêu.” Bà cũng thường xuyên đọc cho con nghe những câu chuyện về cuộc đời của các vị thánh, đặc biệt là những vị ẩn sĩ trong sa mạc, những người đã sống đời khổ hạnh để nên thánh. Chính những tấm gương này đã thôi thúc Thánh Phaolô Thánh Giá chọn con đường dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa. Cũng giống như gia đình Thánh Phaolô Thánh Giá, gia đình Thánh Josemaría Escrivá cũng phải đối mặt với nhiều thử thách. Cha của ngài từng bị chính đối tác lừa gạt, khiến cả gia đình rơi vào cảnh trắng tay. Họ phải bán nhà, chuyển đến một căn hộ nhỏ và rời quê hương để tìm kiếm kế sinh nhai. Dù mất tất cả tài sản, cha mẹ Thánh Josemaría vẫn giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài từng nói về cha mình: “Tôi cảm thấy một niềm tự hào thánh thiện: Tôi yêu cha tôi hết lòng và tin rằng ông có một vị trí rất cao trên thiên đàng, vì ông đã chịu đựng tất cả những nỗi nhục nhã của cảnh trắng tay một cách đầy phẩm giá và đức tin.” Không chỉ mất tài sản, cha mẹ Thánh Josemaría còn mất đi ba cô con gái chỉ trong ba năm liên tiếp. Nhưng ngay cả giữa những mất mát đó, họ vẫn không bao giờ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Thánh Josemaría còn nhận ra rằng, ngay cả trong đau khổ, cha ngài vẫn giữ được niềm vui. Hôn Nhân: Con Đường Thánh Giá Bí tích Hôn phối chính là một con đường Thánh Giá. Các bậc cha mẹ phải gánh vác rất nhiều thập giá: mất đi người bạn đời hoặc con cái, gặp khó khăn tài chính, con cái rời bỏ đức tin, hay thậm chí phải đối mặt với sự bách hại. Thiên Chúa đã thiết lập bí tích này để ban ơn trợ giúp cho các bậc cha mẹ, giúp họ hướng dẫn gia đình mình đến thiên đàng. Trong nhiều gia đình Công giáo ngày nay, cụm từ “hãy dâng nó lên” (offer it up) dường như đã dần biến mất. Nhưng với các bậc cha mẹ của các vị thánh, họ không bao giờ lãng phí đau khổ. Họ đón nhận nó với lòng kiên vững, luôn hướng mắt về Đức Kitô chịu đóng đinh. Lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta không phải là tránh né đau khổ, mà là biết biến nó thành cơ hội để yêu thương, để thánh hóa bản thân và giúp đỡ những người xung quanh. Tác giả: Patrick O'Hearn Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 26 tháng 2 Năm 2025 Bài liên quan Yếu tố chung trong di sản thiêng liêng của cha ba vị thánh Nuôi dưỡng các Thánh Nhân: sức mạnh của sự tĩnh lặng Những bài học rút ra từ loạt phim đình đám Adolescence Sự nâng đỡ và hy vọng dành cho những người cha Công giáo mất con Hôn nhân và đời sống chung trong thời gian khó khăn: Gắn kết nhờ đức tin. 5 Nguyên Nhân Gây Mâu Thuẫn Gia Đình và Cách Vượt Qua Khi Đức tin, Hy vọng và Tình yêu đòi hỏi sự hy sinh 6 Bài Học Từ Chân Phước Pier Giorgio Frassati Dành Cho Gia Đình Trong Mùa Chay