Gia Đình Khi Đức tin, Hy vọng và Tình yêu đòi hỏi sự hy sinh Đức tin, hy vọng và tình yêu được gọi là "nhân đức đối thần" bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn vẹn trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi vợ tôi và tôi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, chúng tôi đã viết một lời cầu nguyện dâng lên Thánh Giuse và Mẹ Maria, hai đấng bảo trợ của các gia đình. Chúng tôi đọc lời cầu nguyện ấy trong suốt thời gian chuẩn bị hôn lễ và cả vào ngày cưới của mình. Một câu trong đó đã in sâu vào tâm trí tôi và trở thành lời nguyện hằng ngày: "Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin khiêm nhường và vâng phục, một niềm hy vọng thể hiện qua hành động, và một tình yêu biết đón nhận thử thách và đau khổ." Tôi tin rằng câu nguyện này nắm bắt được những bài học quý giá mà Mẹ Maria và Thánh Giuse có thể dạy chúng ta về ba nhân đức đối thần này. "Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin khiêm nhường và vâng phục." Hãy chiêm ngưỡng đức tin của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Khi thiên thần Gabriel truyền tin Mẹ Maria sẽ thụ thai Đấng Cứu Thế, Mẹ không thể hiểu hết điều đó. Nhưng thay vì thắc mắc hay từ chối, Mẹ khiêm nhường đáp lời: "Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Còn Thánh Giuse, khi biết Maria mang thai, ngài đã định lặng lẽ rút lui. Nhưng sau khi được thiên thần hiện đến trong giấc mơ, ngài đã vâng phục một cách thầm lặng nhưng đầy lòng tin: "Giuse thức dậy và làm theo lời sứ thần Chúa dạy." (Mt 1,24) Đức tin đích thực đòi hỏi sự khiêm nhường và vâng phục như thế. Nhưng trong thực tế, khi đối diện với một giáo huấn khó chấp nhận, chúng ta thường xét đoán nó qua lăng kính chính trị, kinh tế hay khoa học hiện đại. Chúng ta dễ dàng đón nhận những điều phù hợp với quan điểm của mình và phớt lờ những điều khiến mình khó chịu. Nhưng một đức tin như vậy thực ra là sự khép kín chứ không phải sự mở lòng. Khi ta chỉ tin vào những gì dễ dàng chấp nhận và bác bỏ tất cả những gì đi ngược lại suy nghĩ của mình, đó không phải là một hành động của đức tin, mà là của sự nghi ngờ. Một đức tin khiêm nhường và vâng phục là biết sẵn sàng từ bỏ cách nghĩ của mình để đón nhận cách nhìn của Đức Kitô, dù đó là về sự sống, công bằng, hay lòng thương xót. "Lạy Chúa, xin ban cho con một niềm hy vọng thể hiện qua hành động." Hy vọng, theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, là sự tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa. Nhưng hy vọng không thể chỉ là một niềm tin thụ động – nó phải được thể hiện qua hành động. Mẹ Maria tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa đến mức, ngay sau khi đón nhận tin vui, Mẹ "vội vã lên đường" để giúp đỡ người chị họ Êlisabét. Còn Thánh Giuse, khi nhận được lệnh truyền từ Thiên Chúa, ngài lập tức ra đi đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn sang Ai Cập. Bạn không thực sự có hy vọng nếu bạn không hành động theo niềm hy vọng ấy. Tôi thường nói rằng tôi tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa – nhưng tôi lại khó có thể quảng đại chia sẻ tài sản của mình. Tôi nói rằng tôi hy vọng vào thiên đàng – nhưng tôi lại không dễ dàng từ bỏ những thú vui trần thế để hướng về đời sống vĩnh cửu. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng hành động tạo nên lòng tin. Giống như khi dạy con cái tập bơi: nếu một đứa trẻ sợ hãi, nó sẽ càng sợ hơn nếu cứ đứng yên và không dám bước xuống nước. Nhưng nếu nó dám bước đi, dù còn rụt rè, niềm tin của nó vào cha mẹ sẽ lớn lên theo từng nhịp chân. Hy vọng của chúng ta cũng vậy. Nó sẽ mạnh mẽ hơn nếu chúng ta can đảm bước theo Chúa, từng chút một, ngay cả khi phía trước còn nhiều mờ mịt. "Lạy Chúa, xin ban cho con một tình yêu biết đón nhận thử thách và đau khổ." Thánh Phaolô viết: "Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả." (1 Cr 13,7) Còn Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI dạy rằng tình yêu đích thực là khi "ý muốn của chúng ta ngày càng hòa hợp với ý muốn của Thiên Chúa." Hãy nhìn vào cuộc đời của Thánh Gia. Khi Hài Nhi Giêsu còn bé, Mẹ Maria đã hiểu rằng thi hành thánh ý Thiên Chúa sẽ khiến trái tim Mẹ tan nát. Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Thánh Giuse đã trải qua sự lo lắng và bất an khi lạc mất con ba ngày. Nhưng họ vẫn tiếp tục yêu mến Thiên Chúa, và chính tình yêu ấy đã thay đổi vận mệnh nhân loại. Sau này, khi trưởng thành, Chúa Giêsu cũng học từ cha mẹ mình mà đón nhận thánh ý Chúa Cha, dù điều đó đưa Ngài đến đau khổ và thập giá. Còn tôi, tôi cũng cần học bài học ấy. Thật dễ dàng để yêu mến Chúa khi điều đó mang lại bình an và thành công. Nhưng khi tình yêu ấy đòi hỏi tôi phải chấp nhận mất mát, tổn thương hay bị khước từ, liệu tôi có còn sẵn sàng yêu Ngài không? Những nhân đức này không dễ – nhưng với Thiên Chúa, không gì là không thể. Thật ra, đức tin, hy vọng và tình yêu đều vượt quá khả năng tự nhiên của con người. Đó là lý do chúng được gọi là "nhân đức đối thần" – vì chỉ trong ân sủng Thiên Chúa, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn những nhân đức ấy. Và đó là lý do tôi không ngừng cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin khiêm nhường và vâng phục, một niềm hy vọng thể hiện qua hành động, và một tình yêu biết đón nhận thử thách và đau khổ." Rồi tôi bước đi, tin tưởng rằng Ngài đã lắng nghe. Tác giả: Tom Hoopes Nguồn: Aleteia Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 11 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Yếu tố chung trong di sản thiêng liêng của cha ba vị thánh Nuôi dưỡng các Thánh Nhân: sức mạnh của sự tĩnh lặng Những bài học rút ra từ loạt phim đình đám Adolescence Sự nâng đỡ và hy vọng dành cho những người cha Công giáo mất con Hôn nhân và đời sống chung trong thời gian khó khăn: Gắn kết nhờ đức tin. 5 Nguyên Nhân Gây Mâu Thuẫn Gia Đình và Cách Vượt Qua 6 Bài Học Từ Chân Phước Pier Giorgio Frassati Dành Cho Gia Đình Trong Mùa Chay Mùa Chay đáng nhớ nhất của gia đình tôi