Gia Đình Tình Yêu Hy Sinh: Bí Quyết Nuôi Dạy Con Nên Thánh Ngày nay, ngày càng có nhiều người trì hoãn việc kết hôn, và không ít cặp vợ chồng quyết định sinh ít con hơn, thậm chí không sinh con. Chẳng hạn, vào giữa những năm 1970, 40% các bà mẹ khi kết thúc độ tuổi sinh nở đã có từ bốn con trở lên. Ngày nay, tỷ lệ này chỉ còn 14%, trong khi 41% bà mẹ chỉ sinh hai con. Dường như tinh thần hy sinh đang dần mai một, trong khi chủ nghĩa ích kỷ ngày càng lan rộng. Thế nhưng, hy sinh chính là dấu ấn của những bậc cha mẹ thánh thiện nhất trong lịch sử. Đây là dấu ấn thứ ba trong hành trình tìm hiểu về cha mẹ của các thánh và cách họ nuôi dạy con cái nên thánh: Tình Yêu Hy Sinh. Tình Yêu Hy Sinh – Bài Học Đầu Tiên Trong Gia Đình Từ khi còn nhỏ, Thánh Têrêsa Calcutta đã tận mắt chứng kiến nơi mẹ mình một bài học sâu sắc về từ bỏ bản thân để sống vì người khác. Mẹ của ngài, bà Dranafile, thường chăm sóc một cụ bà bị gia đình bỏ rơi. Bà không chỉ mang thức ăn đến cho cụ, mà còn giúp dọn dẹp nhà cửa. Bà cũng tận tay tắm rửa và cho một người phụ nữ nghiện rượu ăn. Gia đình ngài luôn rộng mở cánh cửa, sẵn sàng đón tiếp những người nghèo khổ đến dùng bữa. Đối với Thánh Têrêsa, Tin Mừng không chỉ được lắng nghe vào mỗi ngày Chúa Nhật, mà được thể hiện sống động ngay trong chính gia đình của ngài: “Khi ông đãi tiệc, đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo họ cũng đáp lễ mà mời lại ông. Nhưng khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù. Ông sẽ có phúc, vì họ không có gì đáp lễ. Ngày kẻ lành sống lại, Thiên Chúa sẽ trả công cho ông.” (Lc 14,12–14) Tình yêu hy sinh chính là cốt lõi của Tin Mừng. Nhờ ơn Chúa và tấm gương thánh thiện của cha mẹ, Thánh Têrêsa đã mạnh mẽ đáp lại tiếng gọi dâng hiến đời mình để phục vụ những người nghèo khổ nhất trong các khu ổ chuột ở Ấn Độ. Ngày nay, nhiều người làm việc tốt với mong muốn được công nhận hoặc nhận lại điều gì đó. Nhưng tình yêu hy sinh đích thực không tính toán thiệt hơn. Nó chỉ biết trao ban mà không mong đợi sự đáp trả. Nó âm thầm, ẩn khuất trước mắt người đời, chỉ có Thiên Chúa thấu suốt. Nó như một viên đá rơi xuống đại dương - không ai thấy, nhưng vẫn để lại những gợn sóng lan tỏa mãi. (O’Hearn, 2021, tr. 213) Dạy Con Cái Biết Trao Ban Trong gia đình Chân phước Chiara Badano, mẹ của ngài - bà Maria Têrêsa - từng hỏi con gái rằng liệu cô bé có muốn tặng một số món đồ chơi cho những đứa trẻ nghèo hay không. Ban đầu, Chiara do dự và từ chối. Nhưng sau đó, cô bé đã suy nghĩ lại và quyết định tặng đi những món đồ chơi yêu thích nhất của mình. Đây là một minh chứng rõ ràng rằng bản tính con người vốn có khuynh hướng ích kỷ do hậu quả của tội nguyên tổ. Vì thế, trẻ em cần được cha mẹ dạy cho biết sống quảng đại. Mẹ của Chiara cũng nhận ra một điều quan trọng: “Tôi từng làm việc trong một xưởng bánh quy và lo sợ rằng nếu ở nhà nội trợ, tôi sẽ cảm thấy buồn chán. Nhưng rồi tôi dần hiểu ra rằng, điều quan trọng nhất không nằm ở những lời nói, mà là sự hiện diện - là ‘được làm mẹ’, nghĩa là yêu thương. Đó là di sản duy nhất tôi có thể để lại cho con gái mình: dạy con biết yêu thương.” (O’Hearn, 2021, tr. 209–210) Thật đáng buồn khi ngày nay, nhiều bậc cha mẹ dành thời gian trên mạng xã hội nhiều hơn là dành cho con cái - và ngược lại, con cái cũng dành thời gian cho màn hình điện thoại nhiều hơn là trò chuyện cùng cha mẹ. Cha mẹ chỉ có khoảng 18 năm ngắn ngủi để nuôi dạy con cái nên thánh trước khi chúng rời khỏi tổ ấm. Không phải ai cũng có điều kiện để dạy con tại nhà (homeschooling), nhưng điều quan trọng là cha mẹ cần tận dụng khoảng thời gian quý giá này để thực sự hiện diện bên con. Tình yêu hy sinh đặt Thiên Chúa, người bạn đời, con cái và tha nhân lên trên sự nghiệp cá nhân hay những thú vui riêng. Các bậc cha mẹ của các thánh không bận tâm đến việc nuôi dạy một thiên tài hay một doanh nhân thành đạt, nhưng họ quan tâm đến việc nuôi dưỡng một tâm hồn nhân đức, biết hy sinh và sống quảng đại. Hy Sinh Của Cha Mẹ – Tấm Gương Cho Con Cái Cha của Thánh Padre Pio, ông Grazio Forgione, đã hai lần vượt đại dương sang Hoa Kỳ để kiếm tiền lo cho việc học của con trai, giúp Pio có thể gia nhập Dòng Capuchin khi mới 15 tuổi. Về sau, Thánh Pio nói: “Cha tôi đã vượt biển hai lần để tôi có thể trở thành một tu sĩ.” (O’Hearn, 2021, tr. 207) Sự hy sinh của ông Grazio đã mở đường cho con trai mình bước vào đời sống tu trì. Sau này, khi Thánh Pio dành hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để ngồi tòa giải tội - một công việc vô cùng mệt nhọc - ngài đã noi gương chính người cha của mình, người đã không ngại hy sinh tất cả vì con. Điều này cho thấy rằng các bậc cha mẹ của các thánh đã mở đường cho con cái bằng chính những đức tính anh hùng và những hy sinh thầm lặng của họ, dù lớn hay nhỏ. Nuôi Dưỡng Một Vị Thánh - Một Phép Lạ Của Tình Yêu Nuôi dạy một vị thánh là một phép lạ. Nhưng ân sủng của Thiên Chúa không bao giờ thiếu. Mọi hành trình nên thánh đều bắt đầu từ một lời cầu nguyện chân thành và một hành động yêu thương nhỏ bé. Khi cha mẹ sẵn sàng sống hy sinh, đặt con cái lên trên những tham vọng cá nhân, và yêu thương theo gương Chúa Kitô, Thiên Chúa sẽ ban ơn để họ có thể dưỡng dục nên những tâm hồn thánh thiện. Và đó chính là con đường chắc chắn nhất để nuôi dưỡng một vị thánh. Tác giả: Patrick O'Hearn Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 26 tháng 2 Năm 2025 Bài liên quan Yếu tố chung trong di sản thiêng liêng của cha ba vị thánh Nuôi dưỡng các Thánh Nhân: sức mạnh của sự tĩnh lặng Những bài học rút ra từ loạt phim đình đám Adolescence Sự nâng đỡ và hy vọng dành cho những người cha Công giáo mất con Hôn nhân và đời sống chung trong thời gian khó khăn: Gắn kết nhờ đức tin. 5 Nguyên Nhân Gây Mâu Thuẫn Gia Đình và Cách Vượt Qua Khi Đức tin, Hy vọng và Tình yêu đòi hỏi sự hy sinh 6 Bài Học Từ Chân Phước Pier Giorgio Frassati Dành Cho Gia Đình Trong Mùa Chay